Phần 2. Xây dựng dự án

Xây dựng dự án (còn được gọi là thiết kế dự án) là một nội dung quan trọng, là kết quả cuối cùng của bước khảo sát. Xây dựng dự án là lập một dự án, được thể hiện bằng văn bản (văn bản dự án), trên cơ sở những thông tin đã thu thập được trong quá trình khảo sát, đánh giá nhu cầu. Trong phần này, thay cho việc đề cập đến các phương pháp, kỹ thuật trong xây dựng dự án, chúng tôi xin giới thiệu một cách trình bày khi lập dự án, có lồng ghép một số phương pháp và kỹ thuật cơ bản và mang tính chung đối với yêu cầu của nhiều tổ chức tài trợ.

Phần 2. Xây dựng dự án


Xây dựng dự án (còn được gọi là thiết kế dự án) là một nội dung quan trọng, là kết quả cuối cùng của bước khảo sát. Xây dựng dự án là lập một dự án, được thể hiện bằng văn bản (văn bản dự án), trên cơ sở những thông tin đã thu thập được trong quá trình khảo sát, đánh giá nhu cầu. Trong phần này, thay cho việc đề cập đến các phương pháp, kỹ thuật trong xây dựng dự án, chúng tôi xin giới thiệu một cách trình bày khi lập dự án, có lồng ghép một số phương pháp và kỹ thuật cơ bản và mang tính chung đối với yêu cầu của nhiều tổ chức tài trợ.

1. Tóm tắt dự án:

Tờ mở đầu của dự án cần nêu được tóm tắt các nội dung chung nhất của dự án, bao gồm: tên dự án, cơ quan chủ dự án, cơ quan thực hiện dự án (trong nhiều trường hợp, cơ quan chủ dự án cũng đồng thời là cơ quan thực hiện), tổ chức tài trợ, địa điểm dự án (tỉnh, huyện, xã...), mục đích và các mục tiêu dự án, các hoạt động chính của dự án, ngân sách dự án (có nêu rõ phần xin tài trợ và phần đóng góp của địa phương hoặc cơ quan chủ dự án), thời gian thực hiện dự án.[1]

Ví dụ về phần tóm tắt dự án:

Tên dự án: Tăng thu nhập cho nông dân nghèo

ở xã Xuân Quan, Châu Giang, Hưng Yên

Cơ quan chủ dự án và thực hiện:

Hội Nông dân xã Xuân Quan, Châu Giang, Hưng Yên

Địa chỉ: Xã Xuân Quan, Châu Giang, Hưng Yên

Điện thoại: Fax:

Địa điểm dự án: Xã Xuân Quang, Châu Giang, Hưng Yên

Tổ chức tài trợ: oxfam

Mục đích dự án:

Tăng thu nhập và cải thiện đời sống của nhân dân trong xã Xuân Quan.

Các mục tiêu của dự án:

1 Xây dựng một con đê vững chắc trước mùa mưa bão năm 1996 để tăng

vụ và ổn định sản xuất cây trồng.

2 Tổ chức ba khoa tập huấn giai đoạn giữa của dự án nhằm nâng cao kiến

thức cho nông dân trong xã về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông

sản.

3 Xây dựng mô hình phát triển tổng hợp VAC cho năm hộ gia đình tại

thôn Thượng để thí điểm và phục vụ cho tập huấn, giúp nông dân nghèo

làm theo và áp dụng trong điều kiện riêng của mình.

4 Cấp vốn vay cho 88 phụ nữ nghèo dưới dạng vốn luân phiên để ứng dụng

kỹ thuật được tập huấn nhằm phát triển chăn nuôi lợn, gà công nghiệp và

trồng cây quất, cây cảnh.

Người hưởng lợi: Phụ nữ nghèo, gia đình và cộng đồng.

Thời gian thực hiện dự án: Ngày bắt đầu: 8-1995

Ngày kết thúc: 8-1997

Ngân sách:

Ngân sách dự án: 49.000USD, trong đó:

Kêu gọi tài trợ: 40.000USD

Đóng góp của địa phương: 9.000USD

Kế hoạch giải ngân: 1995: 18.000USD

1996: 22.000USD

1997: 9.000USD

Thời gian đánh giá: Đánh giá giữa kỳ: 9-1996

Đánh giá kết thúc: 7-1997

Tỷ giá hối đoái: 1USD= . . . . VND

2. Tình hình kinh tế - xã hội khu vực dự án - lý giải dự án:

Phần này cần nêu được các nội dung như điều kiện tự nhiên, địa lý, kinh tế - xã hội; sản xuất nông - công - thương; thu nhập và phương thức sống của nhân dân trong vùng dự án; các yếu tố như dân số, tỷ lệ tăng dân số, và tình hình phụ nữ, trẻ em; những thế mạnh của địa phương (như về lao động, giao thông, các điều kiện tự nhiên...), những khó khăn tồn tại ở địa phương; lý giải xuất sứ dự án, biện minh để nêu bật tính cấp thiết; phần biện minh phải phân tích được khó khăn tồn tại, nguyên nhân và các giải pháp, tại sao lại lựa chọn một giải pháp nhất định.Cần nêu rõ dự án có nằm trong qui hoạch phát triển tổng thể của địa phương, huyện, tỉnh, vùng hoặc quốc gia hay không. Phần này cũng cần nêu kết quả của các nghiên cứu (nếu có) nhằm củng cố lý giải cho dự án.

Đối với các dự án chỉ liên quan đến một đơn vị tổ chức (như các dự án tăng cường năng lực), phần này cần tập trung nêu về tổ chức, cơ cấu, những hoạt động chính, vai trò, những thuận lợi, khó khăn, môi trường của tổ chức, lý giải xuất sứ dự án....

Ví dụ về tình hình kinh tế - xã hội khu vực dự án

Xuân Quan là một xã nghèo thuộc huyện Châu Giang tỉnh Hưng Yên. Toàn xã có 1.135 gia đình với 5.873 nhân khẩu. Một trăm phần trăm dân số sống bằng nghề nông. 65% sống ở vùng ngoài đê sông Hồng. Sản xuất nông nghiệp ở vùng này không ổn định vì bị đê lụt hàng năm đe dọa mặc dù nông dân trong xã đã có nhiều cố gắng để tránh rủi ro. Kết quả điều tra kinh tế hộ cho thấy: 25% nông dân đủ ăn. 75% nông dân xã Xuân Quan vẫn đang sống ở mức nghèo đói (bình quân thu nhập 3 đôla/khẩu/tháng). Dự án nhằm giải quyết những khó khăn về công trình ngăn lũ và tiêu nước, kiến thức khoa học kỹ thuật, hệ thống đường nông thôn từ đó tăng năng suất cây trồng và tăng thu nhập.

Tình hình trên có thể được cải thiện bằng một số biện pháp sau: a) Sửa chữa con đê ngăn lũ để ổn định nâng cao năng suất cây trồng, hệ số lần trồng cho 120 ha đất thường bị ngập theo mùa; b) Cung cấp vốn vay dưới dạng quỹ luân chuyển để nông dân mua con giống, cây giống, phân bón cho sản xuất; c) Mở các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi. Việc này sẽ được kết hợp với hướng dẫn kỹ thuật, làm thử, đi thăm các mô hình tốt ở các xã lân cận.

Thực hiện được các biện pháp trên, các thành viên của hội sẽ có cơ hội tự lập để nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì vậy, dự án được đặt ra nhằm giúp nông dân có cơ hội để tăng thu nhập một cách bền vững và tự lập. Dự án sẽ do Hội Nông dân xã Xuân Quan thực hiện và coi như là mô hình cho các dự án tương tự ở các xã khác noi theo.

3. Mô tả nội dung dự án:[2]

- Mục đích dự án: Mục đích dự án (hay còn gọi là mục tiêu tổng quát) là đích mà dự án sau khi thực hiện phải góp phần vào để đạt được. Ví dụ, mục đích của một dự án thuỷ lợi là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong xã. Trong trường hợp này, nên hiểu là dự án thuỷ lợi khi được hoàn thành sẽ đóng góp một phần vào việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Ví dụ về mục đích:

"Mục đích của dự án là nhằm tăng thu nhập và cải thiện đời sống của nhân dân trong xã Xuân Quan...."

- Mục tiêu dự án: Là các chỉ số, nội dung cụ thể mà dự án phải hoàn thành, đảm bảo các yếu tố về số lượng - chất lượng - thời gian

Ví dụ về mục tiêu:

1 Xây dựng một con đê vững chắc trước mùa mưa bão năm 1996 để tăng vụ và ổn định sản xuất cây trồng

1 Tổ chức ba khoa tập huấn giai đoạn giữa của dự án nhằm nâng cao kiến thức cho nông dân trong xã về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản.

1 Xây dựng mô hình phát triển tổng hợp VAC cho năm hộ gia đình tại thôn Thượng để thí điểm và phục vụ cho tập huấn, giúp nông dân nghèo làm theo và áp dụng trong điều kiện riêng của mình.

1 Cấp vốn vay cho 88 phụ nữ nghèo dưới dạng vốn luân phiên để ứng dụng kỹ thuật được tập huấn nhằm phát triển chăn nuôi lợn, gà công nghiệp và trồng cây quất, cây cảnh.

- Các hoạt động của dự án: Đây là các hoạt động dự án cụ thể gắn với các mục tiêu của dự án, giúp trả lời câu hỏi: Để đạt được mục tiêu dự án, cần tiến hành các hoạt động gì, như thế nào.

Ví dụ về các hoạt động của dự án

Mục tiêu

Hoạt động

2 Xây dựng một con đê vững chắc trước mùa mưa bão năm 1996 để ngăn lũ, tăng vụ và ổn định sản xuất cây trồng

+ Đắp và nâng cao con đê dài 1,5km với khối lượng đào đắp 20.000m3 đạt cao trình 3,2m.

+ Thuê 5 xe tải, 01 máy súc và 01 máy ủi.

2 Tổ chức ba khóa tập huấn giai đoạn giữa của dự án nhằm nâng cao kiến thức cho nông dân trong xã về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản.

+ Tổ chức về phương pháp nuôi lợn nái (34 hộ), nuôi gà công nghiệp (25 hộ), trồng quất và cây cảnh (29 hộ)

+ Tổ chức đi tham quan các mô hình nông dân giỏi ở Bình Minh.

2 Xây dựng mô hình phát triển tổng hợp VAC cho năm hộ gia đình tại thôn Thượng để thí điểm và phục vụ cho tập huấn, giúp nông dân nghèo làm theo và áp dụng trong điều kiện riêng của mình.

+ Chọn năm hộ nông dân tự nguyện và có đủ điều kiện về nhân lực để tham gia chương trình.

+ Cùng tìm hiểu khó khăn và xây dựng giải pháp cụ thể

+ Tổ chức các cuộc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.

2 Cấp vốn vay cho 88 phụ nữ nghèo dưới dạng vốn luân phiên để ứng dụng kỹ thuật được tập huấn nhằm phát triển chăn nuôi lơn nái, gà công nghiệp và trồng quất và cây cảnh.

+ Cấp vốn vay: lãi suất 1,2%

Nuôi lợn nái: 2 triệu; thời gian 12 tháng

Nuôi gà: 1 triệu; 6 tháng

Trồng quất và cây cảnh: 5 triệu, 12 tháng

- Nguồn đầu tư cần thiết cho dự án: Để thực hiện các hoạt động dự án nêu trên, cần những đầu tư gì (Nhân lực, vật lực, tài lực).

Ví dụ về các nguồn:

Cơ sở vật chất: đường xá, đất đai, ao hồ, nước

Các cơ quan, tổ chức: trường học, trạm y tế, hội tập thể

Nguồn nhân lực: Nhân dân địa phương

Người có vị trí và trách nhiệm tham gia

Người có chuyên môn, kỹ thuật, tình nguyện viên

- Đối tượng hưởng lợi: Là những người trực tiếp hoặc gián tiếp được hưởng những gì dự án mang lại (như có ruộng được tưới nước, được vay vốn của dự án, hoặc được dự án cử đi học...). Trong một dự án tín dụng cho phụ nữ, có thể coi những chị em trực tiếp được vay để làm kinh tế gia đình là những người hưởng lợi trực tiếp, còn các thành viên khác trong gia đình là những người hưởng lợi gián tiếp (và có thể mở rộng khái niệm này đối với một địa phương). Cần nêu cụ thể số người hưởng lợi từng loại là bao nhiêu. Trong trường hợp phải lựa chọn người hưởng lợi thì việc lựa chọn sẽ được thực hiện như thế nào, trên cơ sở những tiêu chuẩn gì.

Ví dụ về đối tượng hưởng lợi

* Đối tượng hưởng lợi trực tiếp:

88 Phụ nữ nghèo (mức thu nhập 10kg thóc/người/tháng)

Chưa được vay của Ngân hàng người nghèo

Tham gia đủ các lớp tập huấn do Hội tổ chức

* Đối tượng hưởng lợi gián tiếp:

Gia đình phụ nữ được vay vốn và cộng đồng

- Sự tham gia của địa phương, cộng đồng: Cần nêu rõ mức độ và hình thức tham gia của địa phương và cộng đồng. Ví dụ, trong một dự án xây dựng trường học, nhân dân và chính quyền địa phương có thể tham gia đóng góp một phần vào chi phí cho dự án, giám sát quá trình thi công xây dựng, và đóng góp để sửa chữa sau này.

- Ngân sách dự án: Phần ngân sách dự án cần nêu rõ các hạng mục đầu tư, kể cả trang thiết bị, tập huấn-đào tạo, hành chính phí.... Cần nêu rõ phần xin tài trợ và phần đóng góp của địa phương (hoặc xin đối ứng từ ngân sách nhà nước).

4. Cơ chế, quản lý và kế hoạch thực hiện dự án:

- Cơ chế quản lý thực hiện: Cần nêu rõ cơ chế thực hiện, quản lý, kiểm tra, báo cáo và đánh giá dự án; biện minh được cơ chế nêu trong dự án và cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện và Ban Quản lý dự án có đủ khả năng và chuyên môn để quản lý thực hiện dự án (thể chế cho dự án). Trách nhiệm của các bên và những người có liên quan cần được phân định rõ ràng.

Ví dụ về cơ quan quản lý và thực hiện dự án

Dự án sẽ do Hội Nông dân xã Xuân Quan thực hiện với sự hợp tác chặt chẽ về mặt kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh và Hội Phụ nữ xã.

Hội Nông dân xã Xuân Quan mà tiền thân là Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) được thành lập từ năm 1960, và được phát triển trên qui mô toàn xã năm 1968. Sau cải cách kinh tế năm 1988, HTXNN được đổi thành Hội Nông dân của 1431 hộ. Mục tiêu của hội là giúp đỡ các thành viên nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua các hoạt động về kinh tế xã hội. Từ trước đến nay, Hội chưa nhận được bất cứ sự tài trợ hay giúp đỡ của các tổ chức quốc tế hay cá nhân nào. Đây là lần đầu tiên hội có liên hệ với OXFAM. Nhưng với kinh nghiệm và cơ cấu tổ chức chặt chẽ hỗ trợ từng hộ gia đình, sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Hội Phũ nữ xã, Hội hoàn toàn tin tưởng có khả năng thực hiện tốt dự án.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh) có mối liên hệ chặt chẽ với Hội Nông dân xã Xuân Quan trong việc chuyển giao kỹ thuật canh tác từ nhiều năm nay. Trong dự án này, Sở đóng vai trò là đơn vị cung cấp kỹ thuật, giống, đào tạo, và giúp Hội Nông dân thực hiện các hoạt động của dự án. Hội Phụ nữ xã có trách nhiệm chọn ra những gia đình phụ nữ nghèo, lập danh sách xin vay vốn và phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân trong việc quản lý, tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng đồng vốn vay một cách có hiệu quả cho chị em.

- Kế hoạch thực hiện dự án: Phần này cũng cần nêu kế hoạch thực hiện dự án (từ thời gian nào đến thời gian nào, hoàn thành những công việc gì, ai làm). Thông thường, kế hoạch thực hiện gắn với các hoạt động cụ thể của dự án (xem ví dụ kế hoạch triển khai dự án, Bảng 1).

- Chế độ báo cáo: Nêu rõ chế độ thực hiện báo cáo cho các tổ chức tài trợ hoặc các cơ quan, tổ chức liên quan. Tuỳ theo yêu cầu của mỗi tổ chức, báo cáo có thể được thực hiện hàng tháng, hàng quí, hàng năm, hay theo giai đoạn....

Ví dụ về chế độ báo cáo

Hội Nông dân sẽ tiến hành giám sát và có báo cáo định kỳ sáu tháng một lần gửi cho OXFAM và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về tiến độ thực hiện dự án, tiến độ giải ngân, những rủi ro gặp phải trong thời kỳ báo cáo và kiến nghị cho thời kỳ tiếp theo. OXFAM phối hợp với Sở tổ chức các đoàn kiểm tra tiến độ của dự án định kỳ sáu tháng một lần sau khi nhận được các báo cáo của Hội Nông dân.

5. Hiệu quả và tính bền vững của dự án:

- Hiệu quả dự án: Nêu rõ dự kiến khi dự án được thực hiện sẽ giải quyết những vấn đề gì, ảnh hưởng gì đến người hưởng lợi và dân cư trong vùng (trên cơ sở mục đích và mục tiêu đã nêu).

- Tính bền vững của dự án: Nêu rõ sau khi hoàn thành, dự án sẽ được tiếp tục như thế nào, ai sẽ chịu trách nhiệm duy trì và phát huy các kết quả của dự án (ví dụ: Đối với một dự án xây trường học, ai sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa và bảo dưỡng), lấy nguồn vốn (nhân lực, vật lực hay tài lực) ở đâu. Phần này cũng cần nêu quyền sở hữu đối với các tài sản của dự án, và quan trọng hơn cả là làm thế nào để duy trì các kết quả của dự án khi không còn tài trợ bên ngoài (hạch toán kinh tế nếu là các dự án mang tính sản xuất hàng hoá hoặc kinh doanh).

Ví dụ về tính bền vững của dự án

Sau khi dự án kết thúc vào tháng 8 năm 1997, Hội Nông dân xã Xuân Quan có trách nhiệm tiếp tục duy trì các hoạt động của dự án.

Ban quản lý dự án có trách nhiệm duy trì và bảo dưỡng thường xuyên con đê để bảo vệ mùa màng trong những năm tiếp theo. Hàng năm xã sẽ có kế hoạch tu bổ đê trước mùa mưa bão để đảm bảo độ an toàn.

Hội Phụ nữ tham gia giúp đỡ những chị em được vay vốn trong chương trình tiếp tục nuôi lợn, gà và trồng cây quất. Số vốn vay sẽ được luân chuyển và làm vốn ban đầu để cho các hộ gia đình nghèo khác được vay.

6. Kết luận và kiến nghị:

Phần này cần nêu rõ kết luận chung về tính cấp thiết và khả thi của dự án, đồng thời nêu rõ những kiến nghị đối với tổ chức tài trợ.

Mẫu dự án đề nghị tài trợ

Phần 1. Tóm tắt dự án:

- Tên Dự án:

- Cơ quan chủ dự án:

Địa chỉ:

- Cơ quan thực hiện dự án:

Địa chỉ:

- Địa điểm dự án (kèm bản đồ có vùng dự án):

- Tổ chức tài trợ:

- Mục đích dự án:

- Các mục tiêu của dự án:

- Các hoạt động chính của dự án:

- Tổng ngân sách dự án:

Trong đó: - Phần xin tài trợ:

- Phần địa phương đóng góp (đối ứng):

- Thời gian thực hiện dự án:

Phần 2. Lý giải dự án

- Điều kiện tự nhiên, địa lý, kinh tế xã hội;

- Sản xuất nông-công-thương;

- Điều kiện sống của nhân dân, thu nhập, phương thức sống;

- Dân số, tỷ lệ tăng dân số, số lao động, số phụ nữ, trẻ em;

- Những lợi thế của địa phương;

- Những khó khăn, tồn tại;

- Lý giải dự án, dự án có nằm trong kế hoạch phát triển chung của quốc gia, tỉnh, huyện hoặc địa phương không;

- Kết quả các cuộc nghiên cứu hoặc điều tra có liên quan nhằm biện minh cho dự án.

Ghi chú: Nếu dự án liên quan đến một tổ chức cụ thể, phần này cần tập trung nêu những vấn đề liên quan đến chính tổ chức đó.

Phần 3. Mô tả dự án

3.1. Mục đích dự án: Mục tiêu chung mà việc thực hiện dự án sẽ đóng góp vào (ví dụ: Cải thiện đời sống kinh tế xã hội của nhân dân trong vùng).

3.2. Mục tiêu dự án: Là các chỉ số cụ thể mà dự án phải đạt được, có giới hạn về thời gian (như cho bao nhiêu phụ nữ vay vốn trong năm thứ nhất, xây dựng bao nhiêu phòng học....). Một dự án có thể có nhiều mục tiêu cụ thể.

3.3. Các hoạt động dự án: Là các hoạt động cần phải thực hiện để đạt các mục tiêu (trả lời câu hỏi cần làm gì, như thế nào, để đạt được các mục tiêu).

3.4. Các nguồn lực cần thiết cho dự án: Để thực hiện các hoạt động dự án, cần những nguồn lực gì, cụ thể là bao nhiêu.

- Nhân lực

- Vật lực

- Tài lực

3.5. Đối tượng hưởng lợi dự án: Trực tiếp, gián tiếp, đối tượng nào, số lượng là bao nhiêu.

3.6. Tham gia của địa phương, cộng đồng:

- Địa phương và cộng đồng tham gia vào dự án như thế nào;

- Đóng góp của địa phương và cộng đồng (nhân lực, tài lực...).

3.7. Ngân sách dự án: Nêu rõ các hạng mục đầu tư, số lượng, đơn giá và tổng chi phí ước tính.

Phần 4. Cơ chế và kế hoạch thực hiện:

4.1. Cơ chế thực hiện: Nêu nhân lực, năng lực và thể chế cần thiết để thực hiện dự án. Ai sẽ quản lý việc thực hiện dự án, có thành lập một Ban Quản lý dự án hay không? trách nhiệm của các bên liên quan cụ thể là gì, các cơ chế quản lý nhân lực, tài chính, kiểm tra, đánh giá và báo cáo.

4.2. Kế hoạch thực hiện: Các hoạt động được thực hiện theo thời gian biểu nào (cần có kế hoạch hành động cụ thể); tổng thời gian dự án, phân chia theo giai đoạn...

Phần 5. Hiệu quả và tính bền vững của dự án

5.1. Hiệu quả dự án: Nêu hiệu quả dự kiến của toàn bộ dự án, ảnh hưởng tới những người hưởng lợi nói riêng và vùng dự án nói chung; khẳng định những mục tiêu dự án cần đạt được; cân đối được-mất nếu cần thiết.

5.2. Tính bền vững của dự án:

- Trách nhiệm duy trì kết quả dự án (bảo dưỡng, sửa chữa...) sau khi dự án đã kết thúc, lấy nhân lực và tài chính ở đâu, cơ chế cụ thể.

- Quyền sở hữu các tài sản của dự án (động sản và bất động sản);

- Kế hoạch duy trì dự án khi không còn tài trợ, hạch toán thu-chi nếu là dự án sản xuất hàng hoá, dịch vụ hay mang tính kinh doanh)

Phần 6. Kết luận và kiến nghị:

- Nêu kết luận chung về tính cấp thiết và khả thi của dự án.

- Kiến nghị cụ thể đối với tổ chức tài trợ.

[1] Lưu ý trong nhiều trường hợp, có cả cơ quan thực hiện dự án (implementing agency) và cơ quan điều hành dự án (executing agency), thường thấy trong các dự án đồng tài trợợợợ. Cơ quan điều hành thường là một tổ chức thứ ba (phần nhiều là tổ chức phi chính phủ quốc tế), nhận tài trợ trực tiếp từ một tổ chức song phương hoặc đa phương, chịu trách nhiệm giám sát dự án, đồng thời chịu trách nhiệm trước tổ chức tài trợ kia. Trong khi đó, tổ chức thực hiện là cơ quan đứng ra thực hiện các hoạt động dự án ở thực địa, chịu trách nhiệm trực tiếp với tổ chức điều hành.

[2] Nhiều tổ chức tài trợ yêu cầu sử dụng phương pháp khung lô-gích để trình bày các nội dung chính của dự án. Xin tham khảo mục 3.8. để bổ sung thêm cho phần này.

image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 0
  • Tất cả: 0