Phần 1. Khái niêm, phân loại và quy trình dự án
Phần 1. Khái niêm, phân loại và quy trình dự án
1.1. Khái niệm và phân loại dự án
Dự án là một hoạt động đầu tư trong đó các nguồn lực hạn chế được sử dụng nhằm tạo ra lợi nhuận (Hình 1). Thông thường, một dự án có thể đứng độc lập hoặc nằm trong một chương trình gồm nhiều dự án. Quy mô của một dự án nên ở mức độ mang tính khả thi về mặt kinh tế, kỹ thuật và quản lý nhất. Ngoài ra một dự án thường kèm theo những yếu tố sau:
- Được quy hoạch, tài trợ và thực hiện như một đơn vị độc lập, với những sắp xếp về tài chính và bộ máy quản lý độc lập hoàn toàn hay một phần;
- Có thời gian bắt đầu và kết thúc cụ thể, và những mục tiêu cần đạt được trong thời gian đó;
- Có nhóm đối tượng cụ thể (chẳng hạn như nhóm phụ nữ, trẻ em, người tàn tật, đồng bào dân tộc);
- Mang tính xác định về mặt địa lý (ở một vùng hoặc một khu vực nhất định, thí dụ một tỉnh, một huyện, xã hay cụm tỉnh, huyện, xã), và về cả mặt tổ chức trong một số dự án (trong khuôn khổ một tổ chức nào đó).
Về cơ bản, khái niệm dự án khá tương đồng với khái niệm đầu tư, với tiêu chí chung là lợi suất. Các dự án có thể phân định trên cơ sở quyền sở hữu (tư nhân, liên doanh, hợp tác xã hay nhà nước), theo khu vực (khu vực công và khu vực tư nhân), hay trên cơ sở nguồn tài trợ. Dự án thuộc khu vực công thường gắn với một quá trình quy hoạch phát triển quốc gia. Trong khi đó, dự án khu vực tư nhân chủ yếu gắn với lợi nhuận mà đầu tư mang lại.
Có ba dạng thức dự án chính, bao gồm dự án đầu tư mới, dự án mở rộng và dự án thay thế:
- Dự án đầu tư mới: Hoạt động đầu tư mới trong một lĩnh vực, địa bàn nhất định
- Dự án mở rộng: Đầu tư mở rộng sản xuất hay dịch vụ nào đó đã có từ trước (mở rộng về quy mô, địa bàn).
- Dự án thay thế: Đầu tư thay thế một hoạt động sản xuất hay dịch vụ nào đó đã có từ trước song lợi suất không cao (do quá cũ hoặc hết khấu hao). Đầu tư này nhằm lợi suất cao hơn và hiệu quả hơn về kinh tế.
Các dự án có thể được phân loại trên cơ sở lĩnh vực (như Y tế, Giáo dục, Nông nghiệp, phát triển cộng đồng) và mang tính sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ. Dự án cũng có thể được phân định theo hạn định thời gian (ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn).
Vậy vai trò của dự án là gì trong quá trình phát triển? Các ý kiến đều cho rằng dự án chiếm vai trò quan trọng và xuyên suốt trong quá trình phát triển của một quốc gia. Nếu chưa nói đến các dự án đầu tư tư nhân, các dự án khu vực công (đầu tư công cộng của nhà nước từ nguồn ngân sách nhà nước hay các dự án viện trợ nước ngoài) luôn là những thành tố thiết yếu của các kế hoạch, chương trình phát triển quốc gia.
1.2. Quy trình dự án
Cho đến nay, các học giả và các tổ chức chưa đi đến thống nhất về các quy trình của một dự án cụ thể gồm những bước gì và được phân chia như thế nào. Có những tổ chức xây dựng quy trình chỉ gồm ba hay năm bước, trong khi đó nhiều tổ chức đưa ra những quy trình gồm rất nhiều các hoạt động khác nhau (xem minh họa hình 2 và 3).
Tuy nhiên đối với đa số các dự án phát triển, quy trình dự án thường bao gồm các bước khảo sát (xác định), thẩm định, đàm phán thông qua, thực hiện và đánh giá (xem hình 4). Việc phân chia các bước này nhiều khi chỉ mang tính tương đối và các bước không tách rời nhau hoàn toàn mà tác động, có khi bổ sung cho nhau. Dưới đây xin giới thiệu tóm tắt nội dung của từng bước.
1.1.1. Khảo sát dự án
Khảo sát dự án là bước đầu tiên trong quy trình dự án, khi những người có liên quan hình thành những ý tưởng chung về dự án. Yêu cầu của bước này là từ những khó khăn của địa phương, xác định những nguyên nhân và tìm ra những giải pháp sơ bộ. Trên cơ sở đó, ý tưởng về nguồn tài chính cho dự án cũng sẽ được hình thành (từ Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ hay các tổ chức khác).
Sau ý tưởng đầu tiên về dự án được hình thành, dự án cần phải được xem xét tổng thể lần đầu tiên (một số tổ chức coi phần công việc này là nghiên cứu tiền khả thi), nhằm ước lượng quy mô dự án và sự cần thiết của dự án. Công việc này thường được thể hiện trên cơ sở nghiên cứu những khía cạnh liên quan đến dự án, bao gồm thị trường, kỹ thuật, nhân lực và thể chế, quản lý, tài chính, kinh tế, môi trường và xã hội.
Khi dự án có triển vọng khả thi, nhiều tổ chức thực hiện thêm một bước là phân tích chính xác hơn dự án về các mặt nêu trên nhằm nêu bật tính khả thi của dự án (nghiên cứu khả thi). Thông thường sẽ có những quyết định quan trọng đối với dự án ở bước này.
Khi dự án mang tính khả thi cao và nguồn tài chính cho dự án được xác định, bước tiếp theo là lập dự án tổng thể. Lưu ý là bước khảo sát cũng đã đòi hỏi phải có văn bản dự án, song văn bản đó thường mang tính đơn giản, sơ bộ. Văn bản dự án chi tiết cần nêu rõ xuất sứ, mục đích, mục tiêu và các hoạt động của dự án. Ngoài ra, các dự án chi tiết cũng cần nêu rõ các nội dung: Đối tượng hưởng lợi; tham gia của địa phương và cộng đồng; chi tiết dự toán ngân sách; cơ chế và kế hoạch thực hiện; Hiệu quả và tính bền vững của dự án. Đối với một số dự án nhất định, cần phải có các tài liệu kỹ thuật, khảo sát thị trường(xem chi tiết Phần 2).
1.1.2. Thẩm định dự án
Bước tiếp theo của quy trình là thẩm định dự án. Trên cơ sở dự án chi tiết, dự án sẽ được tổ chức tài trợ hoặc một cơ quan chuyên môn thẩm định tổng thể về các mặt kỹ thuật, tài chính, kinh tế, xã hội và môi trường cụ thể, phần thẩm định dự án sẽ trả lời các câu hỏi: Dự án có khả thi về mặt kỹ thuật, có hợp lý và bền vững về mặt tài chính, mang lại lợi ích cao cho cộng đồng thuộc khu vực dự án và đối với quốc gia noi chung, có đảm bảo các mục tiêu xã hội của dự án, hay có bền vững về mặt môi trường hay không.
- Thẩm định về thị trường (nếu là dự án mang tính dịch vụ, sản xuất hàng hoá);
- Thẩm định về mặt kỹ thuật (chủng loại trang thiết bị cần thiết, giá cả, nguồn cung cấp, công nhân kỹ thuật);
- Thẩm định về nhân lực và thể chế (nhu cầu về nhân lực trong việc thực hiện dự án, nguồn nhân lực tại chỗ; hệ thống hành chính liên quan đến dự án; tổ chức thực hiện dự án đã phù hợp chưa);
- Thẩm định về quản lý (trả lời câu hỏi những người có trách nhiệm có đủ khả năng thực hiện và vận hành dự án hay không);
- Thẩm định về tài chính (dự kiến chi phí, thu nhập);
- Thẩm định về kinh tế (vai trò của dự án trong phát triển kinh tế ở vùng dự án, khả năng ảnh hưởng tới các vung xung quanh và nền kinh tế quốc dân);
- Thẩm định về xã hội (vai trò của dự án trong việc thực hiện các mục tiêu xã hội của Nhà nước, người hưởng lợi hoặch thiệt hại khi có dự án, phân tích các nhóm người có liên quan).
1.1.3. Đàm phán thông qua:
Sau khi dự án đã được thẩm định bước tiếp theo là thông qua dự án. Thực chất, việc đàm phán về dự án có thể diễn ra ngay từ ban đầu và thường xuyên. Dự án có được thông qua hay không cũng phụ thuộc một phần vào công tác thuyết minh và giải trình của cơ quan chủ dự án.
1.1.4. Thực hiện dự án
Dự án sẽ đi vào thực hiện sau khi được thông qua. Thực hiện dự án là khi các hoạt động của dự án được tiến hành, ngân sách của dự án được chuyển, và hệ thống vận hành của dự án đi vào hoạt động. Ưu tiên cao nhất của bước này là thực hiện các hoạt động của dự án theo kế hoạch và trong phạm vi ngân sách đã quy định. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án thường xảy ra những khó khăn vướng mắc, những vấn đề phát sinh thường đòi hỏi thường xuyên có những thông tin phản hồi về tiến triển dự án nhằm đưa ra những điều chỉnh phù hợp và kịp thời. Công tác này đòi hỏi phải có một quá trình giám sát thường xuyên, tại chỗ (nêu dưới đây).
Song song với việc thực hiện là công tác giám sát dự án. Giám sát việc thực hiện dự án là công việc thường xuyên đối với những người trực tiếp tham gia quản lý thực hiện dự án và các cấp, tổ chức có liên quan (chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, tổ chức tài trợ). Giám sát là công tác không thể thiếu để đảm bảo dự án thành công và chủ yếu diễn ra trên các mặt tiến độ, nhân lực, vật lực và tài lực. Mục đich của giám sát là đảm bảo các hoạt động của dự án được thực hiện theo kế hoạch, phát hiện các vấn đề phát sinh để kịp thời ra quyết định xử lý hoặc điều chỉnh cần thiết.
1.1.5. Đánh giá dự án:
Đánh giá dự án là hoạt động kiểm định dự án một cách tổng thể, trên cơ sơ so sánh những nội dung đã nêu trong dự án ban đầu với thực tế. Mục đích chung của đánh giá là tìm ra những mặt mạnh, mặt yếu hay những tồn tại, phân tích nguyên nhân để điều chỉnh dự án hoặc làm kinh nghiệm cho các giai đoạn tiếp theo hoặc các dự án khác. Đánh giá dự án cũng được thực hiện nhằm trả lời câu hỏi: Các mục tiêu của dự án được thực hiện thành công đến đâu, vì sao.
Có mấy hình thức đánh giá chủ yếu:
- Đánh giá thường xuyên: Việc đánh giá thường xuyên trong quá trình thực hiện dự án (gần nghĩa với kiểm tra, song với mục đích tổng kết rút kinh nghiệm);
- Đánh giá theo giai đoạn: Việc đánh giá sau khi mỗi giai đoạn dự án kết thúc nhằm tổng kết rút kinh nghiệm cho các giai đoạn tiếp theo;
- Đánh giá kết thúc dự án: Việc đánh giá sau khi dự án kết thúc nhằm xác định mức độ thành công của dự án và đưa ra kinh nghiệm cho các dự án tiếp theo.
- Đánh giá ảnh hưởng: Đánh giá sau khi dự án kết thúc được nhiều năm nhằm xem xét những tác động và ảnh hưởng về lâu dài của dự án trên các mặt kinh tế, xã hội, môi trường ở vùng dự án cũng như các vùng lân cận.
Kết quả của công tác đánh giá thường được sử dụng làm cơ sở cho các dự án khác hoặc các dự án tiếp theo. Nói cách khác, kết quả này được sử dụng cho các quá trình khảo sát của những dự án đó.