Hội nghị Tổng kết “Dự án Bảo tồn Voọc Cát Bà giai đoạn 2019 - 2023
Ngày 26/9/2023, Vườn Quốc gia Cát Bà phối hợp với Dự án bảo tồn Voọc Cát Bà tổ chức Hội nghị Tổng kết “Dự án Bảo tồn Voọc Cát Bà giai đoạn 2019 - 2023”.
Dự án Bảo Tồn Voọc Cát Bà (Dự án) do Vườn thú Muenster và Hội động vật về Bảo tồn Loài và quần thể (ZGAP) của Cộng hòa liên bang Đức tài trợ trực tiếp triển khai tại Vườn Quốc gia Cát Bà thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ năm 2000 đến năm 2018. Trong giai đoạn 2019 - 2023, tổ chức phi chính phủ của Đức - Zoo Leipzig GmbH (được Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao cấp Giấy Đăng ký hoạt động tại Ninh Bình và Hải Phòng, hoạt động trong lĩnh vực: bảo tồn các loại động vật hoang dã) tiếp tục tài trợ kinh phí 617.435,40 USD và được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt triển khai tại Vườn Quốc gia Cát Bà (Quyết định số 712/QĐ-UBND ngày 03/4/2019).

Quang cảnh Hội nghị
Qua 05 năm triển khai dự án, ngày 26/9/2023, Vườn Quốc gia Cát Bà phối hợp với Dự án bảo tồn Voọc Cát Bà tổ chức Hội nghị Tổng kết “Dự án Bảo tồn Voọc Cát Bà giai đoạn 2019 - 2023” (gọi tắt là DABTV) với sự tham gia của lãnh đạo các sở, ngành: Ngoại vụ, Công an thành phố, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Tài nguyên Môi trường, UBND huyện Cát Hải, Chi cục Kiểm lâm thành phố,… cùng các cơ quan, đơn vị liên quan.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Neahga Leonard, Giám đốc DABTV đã khái quát những kết quả đạt được của dự án trong giai đoạn 2019 – 2023. Theo đó, quần thể Voọc Cát Bà đã luôn có sự gia tăng đều đặn và ổn định trong giai đoạn này. Hiện tại số lượng cá thể trong quần thể Voọc Cát Bà là 82 cá thể. Mỗi năm, có khoảng từ 8 đến 12 cá thể Voọc Cát Bà con được sinh ra. Từ đầu năm 2023 đến nay, có 7 cá thể voọc con đã được sinh ra và tất cả đều đang sống sót. Quần thể Voọc Cát Bà đang gia tăng khoảng 3% mỗi năm. Mặc dù quá trình này diễn ra chậm và không đồng đều qua các năm, nhưng điều đó có nghĩa là quần thể Voọc Cát Bà đã tăng gần gấp đôi một cách hiệu quả từ năm 2003 đến năm 2023. Điều này cho thấy các chiến lược bảo tồn đã và đang phát huy hiệu quả bất chấp nhiều thách thức. Tuy vậy, đối với một quần thể động vật hoang dã thì con số gần 80 cá thể vẫn là con số thấp đến mức nguy hiểm, khiến loài Voọc Cát Bà vẫn được chính thức coi là loài Cực kỳ Nguy cấp và cần một thời gian rất dài nữa mới có thể đạt đến con số bền vững nếu các biện pháp bảo vệ, bảo tồn tích cực tiếp tục được thực hiện.

Ông Neahga Leonard, Giám đốc DABTV trình bày báo cáo tổng kết dự án
Với những điều kiện sẵn có về mặt tổ chức, chuyên môn; sự phối hợp chặt chẽ của các đối tác địa phương và sự nghiêm túc thực hiện các cam kết về tài chính của nhà tài trợ, DABTV đã đạt được những kết quả mục tiêu như đã đề ra trong thiết kế giai đoạn 2019 – 2023, bao gồm: sự gia tăng ổn định của quần thể Voọc Cát Bà, thường xuyên hỗ trợ lực lượng Kiểm lâm VQG Cát Bà về kỹ thuật, tài chính, trang thiết bị và tập huấn; đều đặn thực hiện các hoạt động bảo vệ và giám sát Voọc Cát Bà và các nhóm chống săn bắt và bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng; đã và đang tiến hành thành công một dự án tái trồng cây bản địa; thường xuyên tăng cường bảo vệ và giám sát các đàn Voọc Cát Bà ở các khu vực Cửa Đông, Hang Cái và Khu Bảo tồn Nghiêm ngặt; vận động sự thừa nhận quốc tế về vị thế của loài Voọc Cát Bà và yêu cầu phải bảo vệ loài này và vùng sống của chúng; nâng cao nhận thức cho người dân địa phương về vị thế đặc biệt của loài Voọc Cát Bà và niềm tự hào của người dân địa phương; thường xuyên tham gia các cuộc thảo luận và đóng góp định hướng quan trọng cho công tác bảo tồn các loài linh trưởng Việt Nam…

Nhân viên bảo tồn của DABTV trong một buổi làm việc thực địa, tuần tra, giám sát Voọc Cát Bà
Tuy không được đưa vào thiết kế dự án ban đầu là những mục tiêu, kết quả cần đạt được trong giai đoạn 2019 - 2023, nhưng trong những điều kiện cho phép, DABVT đã đóng góp vào công tác cứu hộ động vật hoang dã và quản lý, bảo vệ động vật hoang dã và chim di cư, vào công tác truyền thông, góp phần làm giảm nhẹ tình trạng săn bắt chim di cư trên quần đảo Cát Bà. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện công tác giám sát, bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, DABTV cũng tích cực thực hiện công tác thu thập thông tin về đa dạng sinh học, về các loài động, thực vật còn ít thông tin, đóng góp vào hiểu biết chung về sự giàu có của tài nguyên thiên nhiên đảo và là cơ sở cho công tác bảo vệ, bảo tồn chung trong và ngoài phạm vi VQG Cát Bà sau này.
Tại Hội nghị, căn cứ theo lĩnh vực quản lý chuyên môn các đại biểu cũng đã tham gia ý kiến về phương hướng hoạt động trong giai đoạn tiếp theo của dự án theo lĩnh vực quản lý chuyên môn của đơn vị. Kết luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thịu, Giám đốc VQG Cát Bà đánh giá cao những kết quả mà DABTV đạt được trong thời gian qua trong công tác bảo tồn hệ sinh thái, hệ sinh cảnh… góp phần không nhỏ vào sự thành công của việc ghi danh Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới; đồng thời, mong muốn rằng trong thời gian tới, Vườn thú Leipzig tiếp tục hỗ trợ triển khai dự án trong giai đoạn 2024 – 2028, nâng cao nhận thức cán bộ trực tiếp làm công tác bảo tồn, tuyên truyền chính sách pháp luật cho người dân…/.