Những thành tựu trong hoạt động Hội nhập quốc tế năm 2022
Với vị thế là đô thị loại I, 01 trong 05 thành phố trực thuộc Trung ương, trong những năm gần đây, trong năm 2022, Hải Phòng đã triển khai tích cực các chỉ đạo của Trung ương về công tác hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực.
Năm 2022 thế giới có những biến động lớn về kinh tế, chính trị gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế trong nước. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố, công tác hội nhập quốc tế đã góp phần đưa Hải Phòng trở thành một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức khá cao so với bình quân chung cả nước và các tỉnh, thành phố khác; một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được cải thiện mạnh mẽ; chỉ số cải cách hành chính (PAR) lần đầu tiên bứt phá lên vị trí đứng đầu cả nước.
Những thành tựu đạt được trong công tác hội nhập quốc tế
Về công tác thông tin, truyền truyền, thành phố tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giới thiệu các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, đặc biệt Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Mở rộng trọng tâm từ tuyên truyền phổ biến sang hướng dẫn thực thi các nội dung cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong lĩnh vực kinh tế, tính đến tháng 12/2022, tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thành phố đạt 2.082,6 triệu USD, bằng 39,21% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 83,3% kế hoạch thu hút 2022. Trong đó, 89 dự án được cấp mới với số vốn cấp mới là 1.121,81 triệu USD, cụ thể: Trong khu công nghiệp, khu kinh tế là 49 dự án với vốn đầu tư 1.993,89 triệu USD; Ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế là 40 dự án với vốn đầu tư là 117,92 triệu USD.
Thành phố đang thực hiện 04 dự án ODA với tổng vốn đầu tư là 1.698,388 tỷ đồng (bao gồm: 1.498,718 tỷ đồng vốn ODA và 199,670 tỷ đồng vốn đối ứng), sử dụng vốn ODA của nhà tài trợ: Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản. Ngày 15/02/2022, Ủy ban nhân dân thành phố có Văn bản số 930/UBND-GT trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về Đề xuất Dự án Phát triển thành phố Hải Phòng thích ứng với biến đổi khí hậu, dự kiến sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Dự án dự kiến thực hiện từ năm 2023-2029 với tổng mức đầu tư là 9.602,99 tỷ đồng tương đương 414,7 triệu USD, trong đó vốn vay của WB là 5.979 tỷ đồng tương đương 258,2 triệu USD, vốn đối ứng là 3.623,99 tỷ đồng tương đương 156,5 triệu USD. Mục tiêu tổng quát của Dự án nhằm phát triển kết nối đô thị và liên kết vùng, đảm bảo bền vững về môi trường, an ninh nguồn nước và thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực, góp phần phát triển đô thị bền vững. Hiện nay, các Bộ, ngành Trung ương đang thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề xuất dự án.
Về hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại nội địa, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hải Phòng năm 2022 đạt 56,7 tỷ USD, tăng 108,45% so cùng kỳ. Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 29 tỷ USD, tăng 109,39% so cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 27,7 tỷ USD, tăng 107,49% so với cùng kỳ.
Trong công tác đối ngoại tiếp tục được thực hiện nhất quán theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa tập trung vào các thị trường, các nhà đầu tư chiến lược từ Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, EU, Mỹ… và các mạng lưới liên kết đa phương, tập trung vào 3 trụ cột: i) Công nghiệp công nghệ cao; ii) Cảng biển và logistic; iii) Du lịch - thương mại. Hoạt động hợp tác với các địa phương (Kitakyushu, Niigata, Fukuko, Yokkaichi, Kanagawa của Nhật Bản, Incheon của Hàn Quốc, Vân Nam, Nam Ninh của Trung Quốc, ...) và các tổ chức nước ngoài (CityNet, TPO, MBBW) tiếp tục được tăng cường khai thác và đẩy mạnh.

Hội thảo kỹ thuật Dự án “Xử lý nước thải có nồng độ BOD cao tại cảng cá Ngọc Hải, quận Đồ Sơn”
Nhiều tập đoàn, công ty nước ngoài lớn hoạt động trong lĩnh vực quản lý phát triển hạ tầng cảng biển logistics, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, sản xuất linh kiện điện tử ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại (như là Công ty TNHH HaskonningDHV, Tập đoàn Fabrinet, Công ty TNHH Orsted Việt Nam, Tập đoàn BP) đã đến tìm hiểu về môi trường đầu tư, các chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Các doanh nghiệp Đài Loan tìm hiểu môi trường đầu tư tại Hải Phòng
Trong năm 2022, thành phố đã triển khai các hoạt động hợp tác giáo dục – đào tạo, giao lưu văn hóa, tăng cường quan hệ hợp tác hiệu quả trong khuôn khổ Bản ghi nhớ đã ký giữa Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và Đại sứ quán Đại hàn Dân quốc tại Việt Nam về đẩy mạnh giao lưu giáo dục văn hóa; xây dựng, triển khai nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, tổ chức xúc tiến đầu tư nhằm Kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Việt Nam và Hàn Quốc; phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Đan Mạch, các bên liên quan chuẩn bị tiếp đón, làm việc với đoàn đại biểu cấp cao do Thái tử kế vị Vương quốc Đan Mạch làm trưởng đoàn, cùng với sự tham dự của đại diện các công ty, tập đoàn của Đan Mạch, và Thị trưởng thành phố Esbjerb (Vương quốc Đan Mạch); xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các quốc gia Phần Lan, Italia, Hà Lan, Anh, Bỉ trong năm 2023.
Thành phố đã hỗ trợ chia sẻ thông tin, kết nối đối tác cho doanh nghiệp tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài như: tiếp tục hỗ trợ kết nối và hợp tác giữa Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền, Khu Công nghiệp Deep C với Trung tâm Giảm thiểu các bon khu vực châu Á thành phố Kitakyushu và Viện Chiến lược Môi trường toàn cầu Nhật Bản (IGES) nhằm triển khai các dự án hợp tác giữa Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền (KCN) và các đối tác thành phố Kitakyushu; Kết nối doanh nghiệp tham dự các hội nghị, hội thảo. Hỗ trợ một số doanh nghiệp gửi tài liệu xúc tiến, giới thiệu về doanh nghiệp và quảng bá sản phẩm tham dự Hội chợ triển lãm hàng hóa Nam Á, Đông Nam Á 2022 tại Côn Minh (Vân Nam), Gặp gỡ Hàn Quốc 2022 tại Thanh Hóa, Chương trình Xúc tiến Thương mại và Đầu tư giữa Đan Mạch và thành phố Hải Phòng...
Trong lĩnh vực văn hóa, trong năm 2022, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đã được diễn ra sôi nổi trên toàn thành phố. Kế hoạch tổ chức lưu diễn các chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân và các hoạt động ngoại giao văn hóa, phục vụ vùng sâu, vùng xa, hải đảo được triển khai, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, động viên, khích lệ đời sống văn hóa. Thành phố đã tổ chức thành công các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2022, nhằm tôn vinh miền đất, con người, văn hóa Hải Phòng; khẳng định vai trò, vị thế của thành phố Hải Phòng; khẳng định đường lối, chủ trương, chỉ đạo đúng đắn của Trung ương và thành phố trong thời gian qua. Tổ chức chuỗi 67 hoạt động chào mừng hưởng ứng Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2022 có sức lan tỏa và hiệu ứng cao với các tác phẩm ca ngợi đất và người Hải Phòng và những dấu ấn lịch sử mà thành phố đã đạt được trong 67 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển; tổ chức thành công Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc – Giải Sao mai 2022, góp phần quảng bá hình ảnh thành phố, con người Đất cảng tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, thành phố tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế trong trao đổi học sinh/sinh viên, giáo viên/giảng viên, nghiên cứu khoa học; tăng số lượng các chương trình giảng dạy bằng tiếng nước ngoài; phát triển nhóm nghiên cứu quốc tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục đại học của các nước có uy tín hoặc được cấp thẩm quyền công nhận; khuyến khích công nhận tín chỉ, văn bằng, liên thông chương trình với các trường đại học nước ngoài có uy tín hoặc được cấp có thẩm quyền công nhận để thu hút học sinh, sinh viên, nhà khoa học nước ngoài đến học tập và nghiên cứu, làm việc tại Việt Nam.
Thành phố tăng cường thu hút các cơ sở giáo dục nước ngoài có uy tín hoặc được cấp có thẩm quyền công nhận vào Việt Nam dưới hình thức thành lập các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên kết với các cơ sở giáo dục của Việt Nam theo quy định của pháp luật. Tuyên truyền các thông tin đổi mới công tác quản lý du học sinh, nhất là các du học sinh thuộc diện học bổng Chính phủ và du học sinh của Việt Nam ở nước ngoài; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các du học sinh.
Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, năm 2022, thành phố đã tiến hành thẩm định, cho ý kiến về công nghệ đối với 32 dự án đầu tư, qua đó góp phần ngăn chặn các dự án thuộc danh mục cấm, hạn chế chuyển giao theo pháp luật về chuyển giao công nghệ, các dự án có tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, khuyến khích các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại, sử dụng tài nguyên thiên nhiên tiết kiệm, thân thiện với môi trường.
03 Phiên kết nối cung cầu công nghệ thiết bị giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài (Đài Loan, Israel, Nhật Bản) đã được tổ chức cụ thể: "Phiên kết nối cung cầu công nghệ trực tuyến giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Đài Loan" ; "Phiên kết nối cung cầu công nghệ trực tuyến giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Isarel"; “Phiên kết nối cung cầu công nghệ giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản”. Tổ chức Hội đồng tuyển chọn ý tưởng/dự án khởi nghiệp, triển khai hỗ trợ phát triển 02 dự án và hỗ trợ ươm tạo 02 ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tổ chức Lễ Khai mạc Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Ngày hội Khởi nghiệp Hải Phòng 2022 - Techfest HaiPhong 2022 với chủ đề “Hải Phòng - Thành phố Đổi mới Sáng tạo - Điểm đến Thành công” và nhiều sự kiện khác.
Trong lĩnh vực thể thao, các hoạt động thể dục thể thao trong năm 2022 cũng đạt được những kết quả ấn tượng. Đặc biệt là thành phố Hải Phòng được ủy nhiệm đăng cai môn đua thuyền Rowing và Canoeing/Kayak trong chương trình Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 31. Thành phố đã chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ các môn thi đấu theo đúng tiến độ, bảo đảm an toàn, an ninh và làm tốt công tác y tế phục vụ các đoàn của các nước trong thời gian thi đấu tại Hải Phòng, qua đó giới thiệu, quảng bá hình ảnh đẹp về thể thao, con người và thành phố Cảng với các đoàn vận động viên, quan chức thể thao các nước, cũng như với đông đảo du khách qua giải đấu.
Một số nhiệm vụ trọng tâm cho quá trình hội nhập quốc tế của thành phố trong thời gian tới
Tiếp tục thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về công tác hội nhập quốc tế; Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính; Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác Hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực, đặc biệt trong việc phân tích, định hướng và dự báo những vấn đề phát sinh trong Hội nhập kinh tế quốc tế.
Triển khai Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy và Hội đồng nhân dân về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chủ trương đầu tư dự án thực hiện một số nội dung để xây dựng chính quyền số thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025; các Kế hoạch về chuyển đổi số thành phố Hải Phòng năm 2022; Kế hoạch nâng cao chỉ số xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI), mục tiêu năm 2022 đứng trong tốp 10. Xây dựng hạ tầng, nền tảng, dịch vụ dùng chung chính quyền số thành phố là hạt nhân, nền móng xây dựng và phát triển Chính quyền số và dẫn dắt Chuyển đổi số, gồm các hạng mục: phát triển hạ tầng số; phát triển dữ liệu số; phát triển các nền tảng số; phát triển ứng dụng, dịch vụ số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng toàn thành phố.
Thực hiện nghiêm túc việc áp dụng quy chế một cửa, một cửa liên thông, đẩy mạnh cải cách hành chính trong công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng nhằm: Rút ngắn thời gian doanh nghiệp thành lập mới phải hoàn thiện các thủ tục để chính thức hoạt động, giảm chi phí đầu vào, gia tăng mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp, tăng nhanh số lượng doanh nghiệp thành lập mới; Thúc đẩy chính quyền điện tử, chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tăng điểm và vị trí xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của địa phương; Đảm bảo hồ sơ, trình tự, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư được công khai, minh bạch; Nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức.
Hoàn thành và triển khai Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai thực hiện quy chế quản lý kiến trúc đô thị và nông thôn, tham mưu tổ chức lập các quy hoạch: quy hoạch phân khu các quận, quy hoạch chung các thị trấn, thị tứ và các quy hoạch chung chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị, quy hoạch các đô thị mới (Thủy Nguyên, An Dương, Tiên Lãng,…); quy hoạch hai bên tuyến đường bộ ven biển, đường trục đô thị, thiết kế đô thị các tuyến đường phố chính trong đô thị và quy hoạch các dự án chỉnh trang đô thị. Xây dựng Đề án số hóa cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng sử dụng chung trên địa bàn thành phố.