Hiệp định Quan hệ Đối tác kinh tế Toàn diện vùng (RCEP)
Dự kiến vào tháng 11/2020, Hiệp định Quan hệ Đối tác kinh tế Toàn diện vùng (RCEP) sẽ được ký kết giữa mười quốc gia thành viên ASEAN (gồm Việt Nam, Sing-ga-po, Thái Lan, Ma-lay-sia, Phi-líp-phin, In-dô-nê-sia, Bờ-ru-nây Da-ru-sa-lam, Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma) và năm quốc gia gồm Trung Quốc, Ốt-xờ-trây-li-a, Niu-Zi-lân, Nhật Bản và Hàn Quốc. Việc ký kết RCEP có ý nghĩa quan trọng đối với các nước nêu trên trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến tiếp cận thị trường của nhau.

Bản đồ các quốc gia tham gia RCEP. Nguồn: Bộ Ngoại giao và Thương mại Niu-Zi-lân
Một số điểm quan trọng liên quan đến RCEP:
- Một là, các quốc gia thành viên RCEP chiếm trên một nửa dân số thế giới và trên ¼ tỷ trọng thương mại toàn cầu.
- Hai là, các nước Trung Quốc, Ốt-xờ-trây-li-a, Niu-Zi-lân, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có hiệp định tự do thương mại ký riêng với ASEAN (cụ thể, ACFTA giữa Trung Quốc và ASEAN, AANZFTA giữa Ốt-xờ-trây-li-a, Niu-Zi-lân và ASEAN, AJCEP giữa Nhật Bản và ASEAN, AKFTA giữa Hàn Quốc và ASEAN).
RCEP được đề cập lần đầu tiên tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 21 của ASEAN tại thủ đô Phnom Penh của Cam-pu-chia (11/2012) theo đề xuất của ASEAN với mục đích là hỗ trợ tạo việc làm, đẩy mạnh đổi mới, phát triển toàn diện, phát triển bền vững phục vụ cải thiện các tiêu chuẩn sống của người dân. Với hơn 30 vòng đàm phán đã được triển khai kể từ lúc bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên vào năm 2013, tại các vòng đàm phán RCEP, các nước trên tập trung đàm phán về những vấn đề trong các lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế và kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp, các vấn đề liên quan đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các vấn đề khác (ASEAN, 2019)[1].

Hội nghị cấp Bộ trưởnglần thứ 3 về RCEP tại Hà Nội tháng 5/2017. Nguồn: Reuters.
Có thể thấy, RCEP là một hiệp định tự do thương mại toàn diện góp phần thúc đẩy hội nhập vùng cũng như tham gia vào các chuỗi cung ứng vùng. Với dân số trên 4,5 tỷ dân chiếm trên ¼ tỷ trọng thương mại toàn cầu và 25% xuất khẩu thế giới (ASEAN, 2019), thị trường 10 quốc gia ASEAN và 05 quốc gia trong khu vực châu Á nêu trên là các thị trường rất tiềm năng cho xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, hợp tác kỹ thuật, hợp tác kinh tế, thương mại điện tử, …RCEP sẽ mang lại nhiều cơ hội kinh doanh giữa các quốc gia thành viên Hiệp định, bởi RCEP sẽ tạo điều kiện cho việc giảm bớt các rào cản thương mại, cải thiện việc tiếp cận thị trường hàng hóa dịch vụ trong khu vực. Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các quốc gia thành viên Hiệp định sẽ tận dụng được các cơ hội mang lại từ RCEP để đối phó với những thách thức nổi lên từ toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại. Với trên 90% các cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ được thiết lập tại các nước thành viên RCEP[2], sự phát triển của lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là một đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của các quốc gia thành viên nói riêng và sự tăng trưởng của khu vực nói chung.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, các quốc gia thành viên RCEP cũng đối mặt với những thách thức nhất định. Đó là những khác biệt về trình độ phát triển, thuế quan, văn hóa, hệ thống luật pháp, chính trị,.... Ví dụ, về trình độ phát triển, Ốt-xờ-trây-li-a đang giữ mức GDP bình quân đầu người là trên 57,000 USD (Ngân hàng thế giới, 2019)[3] trong khi Cam-pu-chia đang giữ mức GDP bình quân đầu người khoảng 1,268 USD (Ngân hàng thế giới, 2019)[4]. Hay như, những khác biệt đối với vấn đề tư nhân hóa các lĩnh vực quan trọng như viễn thông, giao thông, năng lượng, nước…giữa các nước thành viên RCEP./.