Kinh tế thế giới năm 2021: Một cách nhìn

Kinh tế thế giới năm 2021: Một cách nhìn

           Bối cảnh

            Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 với những tác động bao trùm trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, tài chính, xã hội,…, kinh tế quốc gia, khu vực và thế giới chịu nhiều ảnh hưởng.

            Cụ thể, kể từ khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán tỉnh Hồ Nam Trung Quốc đầu tthasng 12/2019 tính đến nay, COVID-19 đã hiện diện ở 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng với sự gia tăng về số lượng người nhiễm bệnh và số lượng người mất vì dịch bệnh COVID-19. Theo số liệu cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới, tính đến 407:55 GMT của ngày 25/01/2021, trên toàn cầu đã có 99,784,064 trường hợp được xác nhận là nhiễm COVID-19, trong đó 2,139,285 người thiệt mạng bởi COVID-19[1], và khu vực châu Mỹ vẫn đang dẫn đầu với trên 41 triệu trường hợp nhiễm, châu Âu đứng thứ nhì với trên 30 triệu trường hợp nhiễm, khu vực Đông Nam Á đứng vị trí số ba với trên 12 triệu trường hợp nhiễm[2].

            Dịch bệnh COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng,toàn diện đến các quốc gia trên thế giới. Về kinh tế, theo thống kê của các tổ chức quốc tế, nhiều nền kinh tế trên thế giới sụt giảm mạnh về GDP trong năm 2020. Ví dụ, theo số liệu của Statista, GDP toàn cầu ở mức -4.5% trong năm 2020, trong đó GDP của nền kinh tế Hoa Kỳ là -2.4%[3].

            Hoa Kỳ đang đối mặt với thách thức về số lượng mất việc làm do ảnh hưởng từ COVID-19

            Theo nhận định của nhiều nhà kinh tế thế giới, nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ mất một khoảng thời gian để hồi phục sau dịch bệnh COVID-19. Theo số liệu của Bộ Lao động Hoa Kỳ trong tháng 01/2021, số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tính đến ngày 09/01/2021 là tầm 5.56 triệu người – thấp hơn so với cùng giai đoạn trong năm 2020 với khoảng trên 22 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tính đến ngày 09/01/2021 ở Hoa Kỳ vẫn cao gần gấp đôi so với thời điểm tháng 01/2020 khi số lượng khoảng 2.5 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp[4].  Theo dữ liệu của Cục Thống kê lao động Hoa Kỳ qua FRED, ở các bang Nevada, New Jersey và Hawaii, tỷ lệ thất nghiệp đạt trên 10%; trong khi các bang Texas, New Mexico, Arizona, California, Louisiana, New York, Alaska có tỷ lệ thất nghiệp khoảng 5.1% đến 7%[5].

Tỷ lệ thất nghiệp ở Hoa Kỳ từ tháng 01/2020 đến ngày 09/01/2021. Nguồn: Bộ Lao động và Hành chính Đào tạo Hoa Kỳ.

Tỉ lệ thất nghiệp tại các bang của Hoa Kỳ. Nguồn: Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ qua FRED

            Theo World Bank, trên 92% số các quốc gia trên thế giới đối mặt với sự suy giảm kinh tế trong năm 2020. Theo ước tính của UNCTAD, các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bao gồm lĩnh vực sản xuất dụng cụ chính xác, máy móc, ô tô và thiết bị truyền thông. Các nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất gồm Liên minh châu Âu (15,6 tỷ USD), Hoa Kỳ (5,8 tỷ USD), Nhật Bản (5,2 tỷ USD), Hàn Quốc (3,8 tỷ USD), Đài Loan tỉnh Trung Quốc (2,6 tỷ USD) và Việt Nam (2,3 tỷ USD) tỷ). Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định rằng, sự sụt giảm kinh tế toàn cầu trong năm 2020 đã đẩy hàng triệu người mất việc làm hoặc thu nhập không ổn định, có thể tác động mạnh đến gia tăng trở lại sự nghèo đói tại nhiều khu vực trên thế giới, và như vậy sẽ kéo tụt thành qủa trong những thập kỷ vừa qua của cộng đồng quốc tế trong thực hiện các mục tiêu phát triển toàn cầu.

Tỉ lệ các nền kinh tế hứng chịu sự suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của COVID-19 trong năm 2020. Nguồn: Ngân hàng thế giới.

            Sâu hơn, theo nhận định của Ngân hàng thế giới, trong nhiều quý, các thị trường kinh tế đang phát triển và mới nổi đối mặt với những khó khăn kinh tế. Đó là những áp lực từ những yếu kém của hệ thống y tế công, các nguồn thu sụt giảm từ căng thẳng thương mại và thắt chặt hạn chế du lịch, lượng kiều hối giảm, dòng vốn đầu tư nước ngoài giảm , điều kiện tài chính eo hẹp, nợ công gia tăng. Thêm nữa, việc áp dụng các biện pháp đóng cửa biên giới tạm thời, thắt chặt hoạt động di chuyển (nhất là đường hàng không giữa các quốc gia), đóng cửa tạm thời các dịch vụ ăn uống vui chơi giải trí tập trung đông người…đã làm giảm nhu cầu sử dụng dầu và giá dầu toàn cầu. Bên cạnh đó, việc hạn chế hoạt động thương mại do lo ngại về sự lây lan của dịch bệnh trong các cộng đồng có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực ở một số nơi trên thế giới.

            Một tín hiệu lạc quan là từ cuối năm 2020 đến nay, vaccine chống COVID-19 được triển khai tiêm ở một số nước trên thế giới, với hi vọng để kiểm soát và đẩy lùi hiệu quả dịch bệnh; mang lại hi vọng cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu trong năm 2021 Cụ thể, theo dự báo của Ngân hàng thế giới, tăng trưởng kinh tế toàn cầu hồi sinh ở mức khoảng 4.2% vào nửa cuối năm 2021[6] trong khi theo dự báo của IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể trông đợi tăng 5.8% trong năm 2021 với sự hỗ trợ chính sách[7]. Tuy nhiên, các con số dự báo nêu trên có thể tăng hoặc giảm, tùy thuộc vào sức khỏe thực tế của nền kinh tế thế giới cũng như diễn biến của dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới.

Nghiên cứu vaccine được đẩy nhanh ở nhiều nước trên thế giới. Nguồn: Internet

            Có thể thấy, điểm tương đồng trong nhận định nêu trên của Ngân hàng thế giới và IMF là, các quốc gia triển khai đồng thời các công cụ chính sách đối nội cụ thể để khắc phục những ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 gây ra cho nền kinh tế quốc gia, đồng thời nâng cao năng lực phục hồi và thích ứng với bối cảnh suy thoái kinh tế hiện tại. Cụ thể, các quốc gia đang triển khai các biện pháp tăng cường năng lực hệ thống y tế quốc gia để có thể triển khai kịp thời các biện pháp y tế bảo vệ người dân, thực hiện khoanh vùng, truy vết, cách ly, giãn cách xã hội…để giảm thiểu các hoạt động tụ tập đông người, đồng thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp với việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các gói vay lãi suất thấp kèm theo các cơ chế ưu đãi để giúp doanh nghiệp trụ vững, vượt qua khủng hoảng, giữ việc làm cho người lao động, hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn…

            Song song với các biện pháp đối nội, các quốc gia đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hợp tác đa phương, như tham gia vào các gói giải cứu tài chính thông qua các quỹ tài chính quốc tế do Ngân hàng thế giới hay IMF triển khai. Tháng 3/2020, Ngân hàng thế giới đã triển khai gói hỗ trợ khẩn cấp trị giá 12 tỉ USD để đáp ứng linh hoạt với các nhu cầu của các nước đang phát triển trong xử lý sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Gói hỗ trợ khẩn cấp 12 tỉ USD[8] này bao gồm tài trợ khẩn cấp, tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật dựa trên các công cụ và chuyên gia hiện có của Ngân hàng thế giới để giúp các quốc gia ứng phó với khủng hoảng. Hay các gói giải cứu nợ do IMF cung cấp thông qua Ủy ban Kiểm soát và Cứu trợ thảm họa (CCRT) cho 29 quốc gia thành viên nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất có nghĩa vụ với IMF, trong đó bao gồm việc giảm nợ đủ điều kiện của các quốc gia trong giai đoạn tháng 4/2020 đến tháng 4/2021. Bên cạnh đó, IMF đã kêu gọi giải cứu nợ song phương để giúp các nước thu nhập thấp vào tháng 3/2020 và đến ngày 15/4/2020 Nhóm G20 đã đồng ý cho các nước nghèo nhất hoãn trả nợ đến tận hết năm 2020 và được kéo dài việc trả nợ đến hết tháng 6/2021[9].

            Bên cạnh triển khai các chính sách đối nội và đẩy mạnh hợp tác đa phương, các quốc gia đang xem xét hợp tác cùng tìm kiếm giải pháp cho những căng thẳng thương mại và hệ lụy từ COVID-19, những cam kết giảm nhẹ biến đổi khí hậu, xây dựng các cơ chế cân bằng liên quan đến thuế CO2, các kho dự trữ thực phẩm thiết yếu và thiết bị bảo vệ y tế, tạo quỹ cho hoạt động nghiên cứu và tăng cường hệ thống y tế công,

            Thị trường các quốc gia mới nổi được dự báo đi đầu trong quá trình hồi phục kinh tế

            Theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế thế giới, thị trường các nước mới nổi (không tính Trung Quốc) có thể thiết lập tốc độ hồi phục tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19. Thực tế, một số nền kinh tế phát triển dựa vào thương mại như Hàn Quốc hay Đài Loan đang trong quá trình phục hồi kinh tế trong khi những nước như Ấn Độ hay Brazil với sức mua lớn từ thị trường nội địa (Ấn Độ: trên 1.3 tỷ dân[10], Brazil: trên 212 triệu dân[11]) tín hiệu hồi phục tăng trưởng là khả quan. Theo dự báo của Morgan Stanley, tính đến quý IV/2021, tốc độ phục hồi tăng trưởng của thị trường các nước mới nổi đạt khoảng 5.5% trong khi tốc độ phục hồi tăng trưởng của thị trường các nước phát triển đạt khoảng trên 4%. Cũng theo nghiên cứu của Morgan Stanley, năm 2021, Ấn Độ được dự báo tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 9.8% trong khi Trung Quốc có thể đạt 9% về tăng trưởng kinh tế[12]. Dự báo của Morgan Stanley về tốc độ phục hồi kinh tế của các thị trường mới nổi và phát triển được thể hiện trong bảng biểu phía dưới.





            Tốc độ phục hồi của thị trường khu vực châu Âu

            Với khu vực châu Âu, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 chưa có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực, việc phục hồi kinh tế của thị trường khu vực châu Âu được các chuyên gia kinh tế xem xét lạc quan. Theo nghiên cứu của Morgan Stanley, tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Âu đạt khoảng 5% trong năm 2021 với sự hợp lực của các quốc gia trong khu vực châu Âu triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ; trong khi với Liên hiệp Vương quốc Anh tốc độ phục hồi kinh tế sẽ chậm hơn do hiệu ứng của Brexit[13].

            Có thể nói, tốc độ hồi phục kinh tế của các nước trên thế giới có thể theo những biên độ khác nhau. Tuy nhiên, tín hiệu chung và tích cực ở đây là nỗ lực của các quốc gia trong triển khai các biện pháp chính sách đối nội, đối ngoại, ở cấp song phương và đa phương để có thể tác động tích cực nên nền kinh tế quốc gia, qua đó đóng góp vào nỗ lực chung phục hồi kinh tế khu vực và thế giới. Thêm nữa, dịch bệnh COVID-19 thực sự là một cú huých đến các quốc gia để ý thức hơn về vai trò trách nhiệm của quốc gia mình trong bảo vệ môi trường sống an toàn, khỏe mạnh, và bền vững./.

Lê Hạnh



image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 0
  • Tất cả: 0