Quá trình hình thành phát triển của Sở Ngoại vụ Hải Phòng qua các thời kỳ
Sở Ngoại vụ Hải Phòng có tiền thân là Phòng Ngoại vụ, ra đời năm 1955 và trực thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố. Thời điểm đó, Phòng chỉ có từ 2 đến 7 cán bộ quản lý và thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại của thành phố với chức năng và nhiệm vụ thay đổi qua từng thời kỳ lịch sử.
1. Quá trình hình thành phát triển của Sở Ngoại vụ Hải Phòng qua các thời kỳ
Sở Ngoại vụ Hải Phòng có tiền thân là Phòng Ngoại vụ, ra đời năm 1955 và trực thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố. Thời điểm đó, Phòng chỉ có từ 2 đến 7 cán bộ quản lý và thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại của thành phố với chức năng và nhiệm vụ thay đổi qua từng thời kỳ lịch sử.
Trong giai đoạn trước chiến tranh phá hoại, từ năm 1955 đến năm 1967, một trong những nhiệm vụ chính của phòng là đảm bảo công tác lễ tân đón tiếp khách nước ngoài, chủ yếu là các tổ chức chính trị xã hội thuộc các nước xã hội chủ nghĩa, các đoàn phóng viên báo chí, thông tấn xã, vô tuyến truyền hình nước ngoài; Phối hợp cùng với các cơ quan khác thực hiện chính sách đối với ngoại kiều sinh sống trên địa bàn thành phố, chủ yếu là Hoa kiều (khoảng 4.000 người), Ấn Kiều (chiểm tỉ lệ nhỏ hơn)… cũng như làm công tác quản lý, giúp đỡ Việt kiều về thăm đất nước. Bên cạnh đó, phòng còn có chức năng quản lý các hoạt động, giúp đỡ các cơ quan nước ngoài trên địa bàn thành phố như: Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc, Tổng lãnh sự Liên Xô cũ, các cơ quan đại diện Hàng hải của Ba Lan, Đức, Liên Xô cũ và hướng dẫn các cơ sở nhà máy có chuyên gia nước ngoài thực hiện các chính sách, chế độ đối với các chuyên gia đến làm việc tại thành phố (khoảng 200 đến 300 người/năm, chủ yếu từ các quốc gia như Liên Xô cũ, Trung Quốc, Ba Lan, Na Uy).
Giai đoạn chiến tranh phá hoại ác liệt của Mỹ từ năm 1967 đến năm 1975, chiến dịch “Sấm rền” diễn ra, do đó các chuyên gia nước ngoài tại Hải Phòng rút đi nhiều, các đoàn khách đến thăm hữu nghị thành phố cũng giảm nhưng các đoàn phóng viên, báo chí đến quay phim, các đoàn điều tra tội ác chiến tranh của các nước xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa tăng lên. Trước tình hình đó, phòng Ngoại vụ đã thực hiện nhiệm vụ sơ tán các chuyên gia nước ngoài đến an toàn. Đồng thời, phòng còn thực hiện công tác tiếp nhận viện trợ nhân dân các nước gửi đến ủng hộ Hải Phòng như Tiệp Khắc (phục vụ xây dựng Bệnh viện Hữu nghị Việt – Tiệp, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Tiệp, Bệnh viện Nhi Đức) và tham gia tiểu ban đối ngoại tại Cảng Hải Phòng. Trong giai đoạn phong tỏa Cảng, phòng Ngoại vụ đã tích cực phối hợp với các cơ quan và đơn vị liên quan, tạo điều kiện thuận lợi để các tàu bạn cập bến an toàn.
Tháng 4 năm 1975, chiến thắng đế quốc Mỹ, thống nhất 2 miền Nam Bắc, Hải Phòng cùng với các tỉnh, thành trong cả nước bắt tay vào công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước. Thời gian này, công tác đối ngoại được đẩy mạnh, số lượng các chuyên gia nước ngoài đến Hải Phòng làm việc trong các lĩnh vực như xây dựng, cảng biển, đóng tàu, cơ khí… cũng như các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội khác đến thăm hữu nghị Hải Phòng tăng lên nhiều. Phòng Ngoại vụ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao cũng như đảm bảo duy trì và phát triển các quan hệ hữu nghị với một số thành phố kết nghĩa như Vladivostock (Nga), Bắc Morauva (Tiệp Khắc)…
Năm 1983, Ủy ban nhân dân thành phố có Quyết định số 189/QĐ-TCCQ ngày 19/3/1983 chuyển phòng Ngoại vụ thành phố thành Ban Ngoại vụ với 3 tiểu ban: Lễ tân, Hành chính – Quản trị và Lãnh sự với tổng số cán bộ khoảng từ 5 – 7 người.
2. Kết quả, thành tựu đã đạt được trong những năm gần đây
Đáp ứng xu hướng toàn cầu hóa và yêu cầu đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, ngày 26/11/2004, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quyết định số 3088/QĐ-UB về việc thành lập Sở Ngoại vụ Hải Phòng trên cơ sở Ban Ngoại vụ trước đây. Cơ cấu tổ chức của Sở Ngoại vụ gồm Lãnh đạo Sở (01 Giám đốc và 03 Phó Giám đốc), 06 phòng chức năng (Văn phòng, Thanh tra Ngoại giao, Phòng Lễ tân – Báo chí, Phòng Hợp tác Quốc tế, Phòng Lãnh sự - Việt kiều, Phòng Hữu nghị - Viện trợ) và 01 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở là Trung tâm Thông tin và Phát triển đối ngoại Hải Phòng.
Trong những năm gần đây, hoạt động ngoại giao đã thực hiện có hiệu quả đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước cũng như mục tiêu phát triển đối ngoại của thành phố Hải Phòng. Các hoạt động đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhà nước và đối ngoại nhân dân trên địa bàn thành phố được triển khai khá đồng bộ gắn kết chặt chẽ với nhiều hoạt động phong phú, sôi động trên các lĩnh vực về kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Công tác tham mưu về quản lý Nhà nước các hoạt động đối ngoại trên địa bàn thành phố được tăng cường mạnh mẽ, Sở Ngoại vụ luôn chủ động tham mưu, đề xuất thành phố tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, mở rộng không gian kinh tế, hợp tác hữu nghị với các tỉnh, thành phố của các nước trên thế giới. Số lượng cũng như chất lượng các đoàn khách nước ngoài đến thăm vào làm việc với lãnh đạo thành phố ngày càng tăng, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế cấp cao của các nước, lãnh đạo các thành phố bạn đã đến tìm hiểu và phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt với thành phố. Các hội nghị, hội thảo quốc tế như Hội nghị phi tập trung Việt – Pháp lần thứ 8, Hội nghị hợp tác kinh tế 5 tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc... đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác, giao lưu cũng như góp phần đẩy mạnh kết nối không gian kinh tế- xã hội, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển hợp tác và đầu tư, trao đổi thương mại; đẩy mạnh tự do hóa thương mại và tiện lợi hóa lưu thông hàng hóa; duy trì ổn định chính sách, thúc đẩy du lịch; tăng cường giao lưu văn hóa, hợp tác về giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực; hợp tác y tế, phòng chống dịch bệnh, phát triển nông nghiệp, nông thôn và lĩnh vực tư pháp giữa Hải Phòng và các tỉnh, thành trong cùng vành đai kinh tế. Đáng chú ý là công tác ngoại giao kinh tế đạt kết quả đáng khích lệ, thúc đẩy quan hệ với các đối tác có nhiều tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Singapore…; thu hút được một số dự án lớn, quan trọng đối với sự phát triển của thành phố.
Bên cạnh các hoạt động ngoại giao chính trị và kinh tế, hoạt động ngoại giao văn hoá cũng đã được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua các sự kiện như tổ chức tổ chức các lễ kỷ niệm cũng như các buổi gặp mặt, giao lưu; triển lãm ảnh về quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng hòa Séc… đã góp phần tăng cường tình hữu nghị cũng như tạo tiền đề cho các hợp tác kinh tế của thành phố. Ngoài ra, nhờ công tác thông tin, tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về thành phố được triển khai thông qua nhiều hình thức như website, Bản tin đối ngoại... các tiềm năng, thế mạnh cũng như cơ hội hợp tác của Hải Phòng đã được quảng bá rộng đến bạn bè quốc tế, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã được đẩy mạnh, đặc biệt qua kết quả đạt được từ “Đề tài nghiên cứu khoa học về kiều bào Hải Phòng ở nước ngoài” đã giúp Sở hiểu rõ hơn về số lượng cũng như tâm tư, nguyện vọng của bà con Việt Kiều, từ đó tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo thành phố có các giải pháp và tạo điều kiện để thu hút kiều bào về đầu tư tại Hải Phòng.
Thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 28/3/2007 của thường trực Thành uỷ về đẩy mạnh công tác ngoại giao nhân dân trong tình hình mới và Quyết định số 1081/2007/QĐ-UBND ngày 20/6/2007 của UBND thanh phố về việc xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2007-2010, Sở Ngoại vụ với vai trò là cơ quan thường trực của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố đã chủ động, tích cực hoạt động có hiệu quả. Các hoạt động đối ngoại nhân dân vì sự nghiệp hòa bình, đoàn kết, hữa nghị và hợp tác nhân dân được chú trọng, gắn liền với tổ chức hoạt động kỷ niệm các sự kiện quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài cũng đã được cải thiện và và mang lại hiệu quả thiết thực cho thành phố.
Ngoài ra, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác đối ngoại, các văn bản qui phạm pháp luật liên quan đến công tác đối ngoại đã được xây dựng và hoàn thiện như: Quy trình thủ tục xuất nhập cảnh; Quy chế thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại trên địa bàn thành phố; Đề án qui hoạch đối ngoại của thành phố Hải Phòng đến năm 2020…
Hoạt động của báo chí nước ngoài tại thành phố thời gian qua diễn ra cũng khá sôi động nhưng Sở vẫn đảm bảo nguyên tắc quản lý chặt chẽ, đúng quy định, khai thác hiệu quả báo chí nước ngoài.
3. Phương hướng, mục tiêu phát triển trong những năm tiếp theo
Căn cứ chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, định hướng của Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố, mục tiêu công tác đối ngoại của thành phố từ nay đến năm 2020 được đặt ra cụ thể như sau:
1. Phát triển và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hoạt động kinh tế đối ngoại và mở rộng không gian kinh tế thành phố đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 theo nội dung Nghị quyết số 21 NQ/TU ngày 29/5/2008 của Ban Thường vụ Thành ủy và Đề án “phát triển công tác đối ngoại của thành phố Hải Phòng đến năm 2020”. Thông qua việc tổ chức các chuyến xúc tiến đầu tư thương mại tại các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và đồng thời mở rộng quan hệ với các địa phương và đối tác mới tại các nước trong khu vực như Thiên Tân, Quảng Đông, Thâm Quyến (Trung Quốc), Vancouver (Canada), Queensland (Úc)… thúc đẩy hơn nữa các hoạt động liên kết, trao đổi, du lịch, thương mại và đầu tư. Nâng cao hiệu quả hợp tác “hai hành lang và một vành đai kinh tế Việt – Trung”, xây dựng khu hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Tung Quốc, khu công nghiệp An Dương.
2. Thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài như Đại sứ quán, cơ quan thương vụ, hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan đại diện của nước ngoài tại Việt Nam tìm hiểu và tiếp cận các tập đoàn và các công ty có tiềm năng, có điểm tương đồng với Hải Phòng nhằm thu hút, lôi kéo các dự án đầu tư cho thành phố. Tập trung mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực y tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, bảo vệ môi trường… Các nội dung hợp tác thiết thực, có trọng điểm và có hiệu quả góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thực hiện đa dạng hoá, đa phương hoá các quan hệ đối ngoại theo phương châm của Đảng và Nhà nước.
3. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao văn hóa, phát triển quan hệ chiều sâu với các địa phương đã thiết lập quan hệ hợp tác như Incheon (Hàn Quốc), Nam Ninh (Trung Quốc), Kagawa, Kitakyushu (Nhật Bản), Brest (Cộng hòa Pháp), Lào, Campuchia…đồng thời xây dựng và phát triển quan hệ, hợp tác mới với các tỉnh, thành phố ở các nước có tiềm năng kinh tế, có điểm tương đồng với Hải Phòng; Tích cực tham gia các diễn đàn trong khu vực và trên thế giới như Citynet được tổ chức ở Hàn Quốc.
4. Đẩy mạnh phát triển và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ hợp tác hữu nghị, xây dựng hình ảnh thành phố Hải Phòng hữu nghị, năng động, giàu tiềm năng cho hợp tác và phát triển theo tinh thần Chỉ thị số 09CT/TU và Chỉ thị số 28CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới. Bên cạnh đó, tăng cường thu hút các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA phục vụ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi… đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chưc phi chính phủ và các cá nhân có tiềm lực, thiện chí, đẩy mạnh vận động các nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài phục vụ công tác xóa đói, giảm nghèo, phòng chống HIV, AIDS, bảo vệ môi trường…
5. Tiếp tục thực hiện và triển khai có hiệu quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài. Trên cơ sở dữ liệu thu thập được từ Đề án nghiên cứu khoa học về người Hải Phòng ở nước ngoài và Đề án khảo sát Việt kiều giai đoạn 1, tăng cường vận động, thu hút nguồn vốn, tài năng, chất xám của bà con kiều bào trong việc đầu tư, góp phần xây dựng quê hương, đất nước; Đồng thời, xây dựng mạng lưới liên kết và phát triển thêm các Hội đồng hương Hải Phòng ở nước ngoài. Thông qua mạng lưới bà con Việt kiều, thiết lập các mối quan hệ kết nghĩa, hợp tác với các vùng, địa phương các nước.
6. Nâng cao hiệu quả công tác lãnh sự qua việc quản lý các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động tại địa phương một cách hiệu quả và đảm bảo tuân thủ các qui định hiện hành của Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
7. Tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực và kỹ năng đối ngoại của đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo việc đón tiếp khách quốc tế đến thăm, làm việc, khảo sát xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch với thành phố đạt hiệu quả cao; Đồng thời tiếp tục hoàn thiện, ban hành các văn bản về quản lý hoạt động đối ngoại phù hợp với qui định, hướng dẫn của trung ương nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trên địa bàn thành phố.