Quan hệ kết nghĩa Hải Phòng – Kitakyushu (Nhật Bản)

Quan hệ kết nghĩa Hải Phòng – Kitakyushu (Nhật Bản)

I. Tổng quan về thành phố Kitakyushu

1. Diện tích: 491,95 km2

2. Dân số: 947.092 người (năm 2020)

3. Vị trí địa lý: Nằm ở cực Bắc của đảo Kyushu và tiếp giáp với hòn đảo Honsu qua eo biển Kanmon.Kitakyushu hiện đã và đang phát triển nhanh chóng, trở thành một cửa ngõ vào châu Á do vị trí thuận lợi là nằm giữa đường biển Tokyo và Thượng Hải, đồng thời cũng là một cơ sở công nghiệp lớn của Nhật Bản.

4. Lịch sử phát triển của thành phố

Thành phố Kitakyushu được thành lập vào tháng 02/1963 và trở thành thành phố trực thuộc Chính phủ Nhật Bản với sự hợp nhất 05 thành phố: Moji, Kokura, Wakamatsu, Yahata và Tobata. Kitakyushu được biết đến lần đầu trong lịch sử vào những năm 1600. Trong thời gian đó, Tòa thành Kokura được xây dựng, và vùng đất này sau đó phát triển phồn thịnh như một kinh đô và trở thành trung tâm của các hoạt động thương mại và hành chính của vùng Kyushu.

5. Các địa danh, lễ hội nổi tiếng

Tòa thành Kokura

Tòa thành Kokura ở thành phố Kitakyushu do tướng quân Hosokawa Tadaoki xây dựng vào năm 1602, sau đó được xây dựng lại vào năm 1959. Tòa thành Kokura là địa điểm nổi tiếng để người dân địa phương và du khách đến thưởng ngoạn vẻ đẹp của hoa anh đào nở rộ mỗi độ xuân về. Từ tầng cao nhất của tòa thành, bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành cổ Kokura và cả Khu vườn thượng uyển Kokora - nơi du khách có thể tìm hiểu về các nghi lễ truyền thống của Nhật Bản.

Eo biển Kanmon:

Eo biển Kanmon chia tách hai đảo Honshu và Kyushu, nhưng cũng đồng thời là cầu nối giữa hai thành phố Kitakyushu và Shimonoseki. Du khách có thể quan sát eo biển này từ Đền Mekari - ngôi đền thờ nằm ở phía Bắc đảo Kyushu và cũng là quê hương của thần biển.

Mojiko Retro:

Khu vực xung quanh cảng Moji còn được gọi là "Mojiko Retro". Nơi đây vẫn còn lưu lại các công trình kiến trúc mang tính lịch sử được xây dựng từ thời hưng thịnh của khu phố cảng. Ngày nay, nơi đây cũng là một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất ở Kitakyushu. Khu mua sắm ở Quận Mojiko Retro nằm ngay sát bờ biển có bầu không khí rất lãng mạn, gợi lên cảm giác hoài cổ,hấp dẫn và khó quên.

Vườn hoa tử đằng Kawachi:

Vườn hoa tử đằng Kawachi là một khu vườn thuộc sở hữu tư nhân ở chân núi Sarakura nổi tiếng, có phong cách thiết kế độc đáo với số lượng lớn hoa tử đằng. Khu vườn được mở cửa từ khoảng cuối tháng 4 đến giữa tháng 5 lúc hoa nở rộ.

Lễ hội ánh sáng Kokura:

Lễ hội diễn ra hàng năm từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 1 năm sau tại ga Kokura, bờ sông Murasaki và các khu vực khác trong trung tâm thành phố. Lễ hội diễn ra tại các khu phố mua sắm, các trung tâm thương mại lớn, các cơ quan chính phủ cùng tham gia hưởng ứng, thắp sáng đêm ở thành Kokura. Đây là một trong những đường hầm hoa và ánh sáng lớn nhất ở phía Tây Nhật Bản được tạo nên từ hoa đỗ quyên - một loài hoa của thành phố Kitakyushu.

Pháo hoa ở Lễ hội Million: 

Một trong những điểm thu hút nổi bật nhất của Lễ hội Million là màn bắn pháo hoa từ sân vận động Kitakyushu đánh dấu đêm chung kết của lễ hội. Sân vận động Kitakyushu mở cửa vào năm 2017 là một sân vận động đa năng, gần sân cỏ, cách Ga Kokura 7 phút đi bộ và là nơi tổ chức các trận bóng đá và bóng bầu dục. Lễ hội pháo hoa Kukinoumi được tổ chức thường niên kể từ năm 1986 tại vịnh Dokai. "Thác Niagara" là màn trình diễn pháo hoa nổi tiếng nhất tại lễ hội với những chùm pháo hoa được bắn lên từ cầu Wakato.

6. Kitakyushu – Thủ đô phát triển bền vững của thế giới

Vào thập niên 1960, Nhật Bản đã đạt được những tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, trong đó Kitakyushu phát triển thành một trong bốn khu công nghiệp lớn nhất của cả nước. Thông qua việc ban hành những quy định nghiêm ngặt của thành phố về kiểm soát ô kết hợp với sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân và doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường, thành phố Kitakyushu đã được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã giới thiệu với thế giới (trong báo cáo môi trường năm 1985) về sự thay đổi thần kỳ của Kitakyushu như một ví dụ điển hình về một thành phố chuyển đổi từ “thành phố xám” trở thành “thành phố xanh”.

Được Chính phủ lựa chọn là một “  thành phố sinh thái kiểu mẫu”, Kitakyushu đã và đang đối mặt với thách thức của một người tiên phong trong việc xây dựng nên một xã hội thân thiện với môi trường và có hàm lượng các bon thấp thông qua những nỗ lực như: giảm thiểu các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Những hành động của chương trình thành phố sinh thái kiểu mẫu sẽ hỗ trợ chuyển đổi xã hội hiện tại sang lối sống đô thị mới thông qua việc cắt giảm lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày của người dân. Kitakyushu hiện đang hướng tới phát triển xã hội phồn thịnh thông qua “kế hoạch đường biên xanh Kitakyushu”, để qua đó người dân có thể hưởng thụ cuộc sống.

7. Kitakyushu – Thủ đô công nghệ của châu Á

Kitakyushu có một tài sản to lớn và quý báu là công nghệ và nguồn nhân lực. Thành phố có đầy đủ trang thiết bị phục vụ vận tải và phân phối, bao gồm sân bay Kitakyushu, cảng nước sâu Hibikinada và bến cảng container Hibiki. Thành phố cũng đang đầu tư vào khoa học kỹ thuật để trở thành ngành công nghiệp đầu não của thành phố với việc xây dựng Khu Nghiên cứu và Khoa học Kitakyushu, Tổ chức pháp nhân công ích, khoa học và công nghệ Kitakyushu, Cảng điện tử Kitakyushu, Viện Nghiên cứu phát triển châu Á, v.v... Các ngành công nghiệp liên quan đến kinh doanh trong lĩnh vực môi trường, thiết bị bán dẫn và chế tạo ô tô tiếp tục tập trung hoạt động tại thành phố, trong khi đó ngày càng có nhiều hơn các doanh nghiệp tại Kitakyushu đang chuyển dịch sang các lĩnh vực phát triển mới, từ đó thúc đẩy thành phố trong việc trở thành một “thành phố công xưởng mới”.

Kitakyushu tích lũy được nhiều công nghệ và kinh nghiệm trong lịch sử phát triển của mình thông qua việc trở thành thành phố công nghiệp và triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế giữa chính quyền, lĩnh vực tư nhân và các trường đại học. Các cơ quan có hoạt động hợp tác quốc tế nổi bật như: Trung tâm quốc tế JICA Kyushu, Hiệp hội giao lưu quốc tế Kitakyushu, Cục Cấp thoát nước thành phố Kitakyushu, Hiệp hội Hợp tác kỹ thuật quốc tế Kitakyushu, v.v…

Thành phố đang tiếp đà phát triển với nhiều hoạt động đa dạng, nhằm mục tiêu đưa Kitakyushu trở thành thủ đô phát triển bền vững của thế giới và trung tâm công nghệ của châu Á. Mục tiêu này đang được triển khai theo kế hoạch “Kitakyushu mạnh mẽ”, với định hướng cơ bản là xây dựng một thành phố môi trường và công nghệ, nhằm thúc đẩy người dân và văn hóa của thành phố hòa nhập với thế giới.

II. Quan hệ kết nghĩa Hải Phòng – Kitakyushu

Hải Phòng và Kitakyushu đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị vào năm 2009 và nâng tầm quan hệ trở thành “Thành phố kết nghĩa” vào năm 2014. Hai thành phố đã hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường, v.v… Các hoạt động hợp tác được triển khai thông qua việc ký kết biên bản ghi nhớ trong các lĩnh vực; phối hợp trong việc thực hiện Kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng xanh thành phố Hải Phòng; tổ chức các đoàn khảo sát môi trường đầu tư; tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ kiến thức; giao lưu sinh viên; giới thiệu  văn hóa của Hải Phòng và Kitakyushu thông qua việc các đoàn nghệ thuật sang biểu diễn trong các sự kiện của hai địa phương.



Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Văn Tùng và Thị trưởng thành phố Kitakyushu Kenji Kitahashi cùng các Sở, ngành hai thành phố trong chuyến thăm của Đoàn Kitakyushu nhân dịp kỷ niệm 05 năm thiết lập quan hệ kết nghĩa

Đoàn Lân sư rồng Bắc Lân Đường và đoàn nghệ thuật Kitakyushu chụp ảnh lưu niệm nhân dịp kỷ niệm Lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng, 64 năm ngày Giải phóng Hải Phòng và 05 năm thiết lập quan hệ thành phố kết nghĩa Hải Phòng – Kitakyushu

Một trong những hợp tác hiệu quả và tiêu biểu nhất giữa Hải Phòng và Kitakyushu là hợp tác trong lĩnh vực môi trường. Thành phố Kitakyushu đã phối hợp, hỗ trợ Hải Phòng thực hiện nhiều chương trình, dự án như: hỗ trợ thành phố Hải Phòng xây dựng Báo cáo Kế hoạch hành động thúc đẩy tăng trưởng xanh thành phố Hải Phòng (2015) nhằm phát triển thành phố Hải Phòng theo hướng xanh, bền vững, giảm thiểu tối đa lượng khí thải các-bon thông qua việc đề xuất 15 dự án thí điểm trên 07 lĩnh vực gồm rác thải, năng lượng, giao thông, đảo Cát Bà, cấp thoát nước và thoát nước mưa, bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh; hỗ trợ Hải Phòng trong việc nghiên cứu xây dựng kịch bản các bon thấp cho thành phố Hải Phòng đến năm 2030 trong 04 lĩnh vực: công nghiệp, thương mại, giao thông vận tải, hộ gia đình (hiện đang xây dựng kịch bản đến năm 2050 với một số lĩnh vực được đề xuất bổ sung thêm như: nông – lâm nghiệp, rác thải, sử dụng đất); hỗ trợ Hải Phòng triển khai dự án “Thúc đẩy các Khu công nghiệp sinh thái theo hướng trung hòa các bon” (dự kiến từ năm 2021 – 2023) với mục tiêu phấn đấu đến năm 2024, dự án sẽ góp phần thực hiện cam kết của Thủ trướng Phạm Minh Chính trong việc đặt mục tiêu Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0”, phát triển mô hình khu công nghiệp không phát thải các bon hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố Hải Phòng không các bon.


Dự án “Xử lý nước thải có nồng độ BOD cao tại Cảng cá Ngọc Hải, quận Đồ Sơn, Hải Phòng”



Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai dự án xây dựng thí điểm KCN sinh thái tại KCN Nam Cầu Kiền (tháng 12/2019)

Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế giữa hai thành phố cũng đạt được những kết quả tích cực thông qua việc ký kết và thực hiện Biên bản ghi nhớ về chương trình giao lưu doanh nghiệp vừa và nhỏ (tháng 11/2015) giữa Sở Công Thương Hải Phòng và Cục Công nghiệp và Kinh tế Kitakyushu nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của quốc gia và củng cố quan hệ hợp tác về kinh tế giữa các bên. Ngoài ra, thành phố Kitakyushu và Khu Công nghiệp DEEP C đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư các doanh nghiệp Kitakyushu vào DEEP C (tháng 05/2019) với mục tiêu tăng cường cơ hội tiếp cận các nhà đầu tư, kết nối các đối tác kinh doanh tiềm năng, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai địa phương nói riêng cũng như sự phát triển kinh tế của 02 quốc gia nói chung.

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa thành phố Kitakyushu và KCN Deep C (tháng 05/2019)

Trong lĩnh vực cấp, thoát nước, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng và Cục Cấp thoát nước thành phố Kitakyushu ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác kỹ thuật. Để triển khai các nội dung trong Biên bản ghi nhớ, hai bên đã phối hợp triển khai Dự án về Nâng cao năng lực vận hành hệ thống thoát nước cho thành phố Hải Phòng giai đoạn 2011-2014, giai đoạn 2014-2017 do JICA tài trợ. 

Bên cạnh đó, thông qua quan hệ thành phố kết nghĩa Hải Phòng – Kitakyushu, Hải Phòng được giới thiệu tham gia cùng với thành phố Kitakyushu tại một số hội nghị, hội thảo do Bộ Môi trường Nhật Bản, Viện chiến lược Môi trường toàn cầu tổ chức nhằm học tập, chia sẻ những giải pháp hữu ích, thiết thực trong lĩnh vực môi trường. Điều này đã góp phần tích cực giúp Hải Phòng đẩy mạnh hội nhập quốc tế và khu vực.

Thông qua những thành tựu đã đạt được trong hợp tác song phương giữa hai thành phố, có thể đánh giá quan hệ kết nghĩa giữa Hải Phòng và Kitakyushu là một quan hệ thiết thực, hiệu quả cả về chất và lượng. Nhìn lại chặng đường 11 năm hợp tác kể từ khi bắt đầu những dấu ấn đầu tiên, Kitakyushu đã khẳng định vị trí là một trong những đối tác đáng tin cậy của thành phố Hải Phòng. Trên cơ sở quan hệ tốt đẹp sẵn có và những tiềm năng hợp tác dồi dào, có thể tin tưởng rằng quan hệ hợp tác phát triển giữa Hải Phòng và Kitakyushu sẽ ngày càng rộng mở, hiệu quả, góp phần mang lại lợi ích cho hai địa phương và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản./.

Nguyễn Minh Trang - Sở Ngoại vụ

image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 0
  • Tất cả: 0