Thành phố Trạm Giang (Quảng Đông, Trung Quốc) và tiềm năng hợp tác với Hải Phòng
Thành phố Trạm Giang nằm ở cực nam của Trung Quốc đại lục với vị trí địa lý có nhiều ưu thế. Trạm Giang nằm ở giao điểm của ba vòng tròn kinh tế lớn của Khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông-Hồng Kông-Macao, Cảng thương mại tự do Hải Nam và Vòng tròn kinh tế vành đai Vịnh Bắc Bộ; là thành phố trung tâm cấp hai thuộc tỉnh Quảng Đông. Trạm Giang là đầu cầu để Quảng Đông kết nối với các quốc gia ASEAN.
Trạm Giang có nền tảng công nghiệp vững chắc. Các chuỗi công nghiệp như Baosteel Zhanjiang Steel, Zhongke Refining and Chemicals, BASF và Chenming Paper đang tăng tốc hoàn thiện; các ngành như: Thép xanh, hóa dầu xanh, năng lượng xanh, sản xuất giấy xanh, thiết bị gia dụng thông minh, chế biến thủy sản…
Ngành khoa học và giáo dục của Trạm Giang có sức mạnh hùng hậu, với 7 trường cao đẳng và đại học, 492 cơ sở nghiên cứu khoa học và hơn 220.000 nhà nghiên cứu khoa học; giao thông vận tải đang được cải thiện từng ngày và là thành phố đầu mối giao thông tổng hợp mang tính quốc gia; Mạng lưới tàu cao tốc và đường cao tốc đang tăng tốc cải thiện và có sân bay quốc tế Vũ Xuyên Trạm Giang đạt cấp 4E, Cảng Trạm Giang là Cảng nước sâu đạt đẳng cấp thế giới…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Đức Thọ làm việc với đoàn Phó Thị trưởng thành phố Trạm Giang (Ảnh: Sở Ngoại vụ)
Trạm Giang có sự trao đổi văn hóa, thương mại ngày càng thường xuyên với Việt Nam và các nước ASEAN khác. Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng của Trạm Giang, hợp tác thương mại giữa hai bên đang tiến triển ổn định, bao gồm các ngành hàng chủ yếu như sản phẩm thủy sản, bìa cứng, thép, quặng sắt, v.v. Trạm Giang hiện có 8 công ty đang đầu tư vào Việt Nam.
Thành phố Hải Phòng và thành phố Trạm Giang có nhiều điểm tương đồng, một số ngành nghề như Công nghiệp, cảng biển…có tính bổ sung mạnh mẽ cho nhau. Trong thời gian gần đây, trao đổi và hợp tác giữa hai thành phố bước đầu đã triển khai trên một số lĩnh vực như: hợp tác khu công nghiệp, giao lưu trao đổi đoàn, kết nối cảng biển và tuyến vận tải biển.

Đoàn công tác thành phố Trạm Giang khảo sát Khu công nghiệp DEEPC (Ảnh: Sở Ngoại vụ)
Một là về hợp tác Khu công nghiệp. Vào tháng 7/2023, Khu công nghiệp ASEAN Phấn Dũng Quảng Đông tại thành phố Trạm Giang đã ký kết thỏa thuận khung hợp tác với Khu hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc-Việt Nam (Thâm Quyến-Hải Phòng) tại thành phố Hải Phòng để thực hiện hợp tác quốc tế về khu công nghiệp. Tháng 11/2023, Phó thị trưởng thành phố Trạm Giang Hà Gia Mân dẫn đầu đoàn đại biểu đến thăm Việt Nam và tiến hành khảo sát thực địa tại Khu hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc-Việt Nam (Thâm Quyến-Hải Phòng) để thúc đẩy hợp tác ngày càng sâu rộng giữa Khu công nghiệp hai bên. Vào tháng 5/2024, Phó Tổng thư ký Chính quyền thành phố Trạm Giang Viên Hoa Tân đã dẫn đầu một đoàn đại biểu đến thăm Việt Nam và đến Khu hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc-Việt Nam (Thâm Quyến-Hải Phòng) để thảo luận các vấn đề về phối hợp phát triển Khu công nghiệp của hai địa phương.
Hai là về giao lưu trao đổi đoàn. Với mong muốn tăng cường giao lưu, trao đổi đoàn các cấp, Phó Thị trưởng thành phố Trạm Giang đã đến thăm Hải Phòng vào tháng 11/2023 và có chương trình làm việc với đồng chí Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố và đại diện lãnh đạo Sở Ngoại vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương và Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, cùng trao đổi về tình hình phát triển Khu công nghiệp Hải Phòng, các chính sách ưu đãi và nhu cầu gia công chế biến của các doanh nghiệp sản xuất địa phương đối với các doanh nghiệp công nghiệp của Trạm Giang, đồng thời thảo luận về việc hợp tác khu công nghiệp, hợp tác cảng và thúc đẩy giao lưu hữu nghị.
Thành phố Trạm Giang cũng đang thúc đẩy tổ chức đoàn đại biểu Chính quyền do Thị trưởng thành phố dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Hải Phòng vào cuối năm 2024 hoặc năm 2025 nhằm thúc đẩy thiết lập mối quan hệ gần gũi và chặt chẽ hơn với thành phố Hải Phòng thông qua việc ký kết một khung hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của hai bên, từ đó tăng cường hơn nữa giao lưu, trao đổi giữa hai địa phương, làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế thương mại và cùng nhau phát triển.
Việc Trạm Giang mong muốn kết nối, triển khai hợp tác với Hải Phòng cũng được Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu bày tỏ quan điểm ủng hộ trong các dịp tiếp xúc, làm việc với lãnh đạo thành phố Trạm Giang.

Đoàn công tác thành phố Trạm Giang khảo sát Cảng Tân Vũ (Ảnh: Sở Ngoại vụ)
Ba là về kết nối cảng biển và tuyến vận tải biển. Các Hãng tàu như Evergreen, Wanhai, CMA CGM, Yunda và các hãng tàu khác do Cảng Trạm Giang khai thác đều có chuyến cập Cảng Hải Phòng. Cũng trong chuyến thăm Hải Phòng của đoàn đại biểu do Phó thị trưởng thành phố Trạm Giang dẫn đầu vào tháng 11/2023, đoàn đã tới tìm hiểu và khảo sát thực địa tại Cảng Tân Vũ của Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng, hai bên đã tiến hành trao đổi xung quanh các nội dung về xây dựng cảng, kết nối tuyến vận tải biển…Tháng 12/2023, Cảng Ô Thạch Trạm Giang đã mở một tuyến vận tải hàng hóa và theo kế hoạch, sau khi hoàn thành xây dựng, Cảng Ô Thạch sẽ tiếp tục khai thông tuyến vận tải logistics “Quảng Đông - ASEAN” cho các sản phẩm công nghiệp, nông sản và hải sản, thúc đẩy giao lưu kinh tế và thương mại giữa thành phố Trạm Giang và thành phố Hải Phòng.
Có thể nhận thấy, Hải Phòng và Trạm Giang có nhiều tiềm năng và không gian hợp tác. Hải Phòng là một trong những cảng biển lớn nhất của Việt Nam, có vị trí chiến lược thuận lợi cho việc giao thương quốc tế. Hơn nữa, với lịch sử phát triển hàng trăm năm, Hải Phòng có lợi thế trong phát triển ngành công nghiệp, hai bên có thể hợp tác trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo, cảng biển, logistics. Hợp tác trong lĩnh vực du lịch và văn hóa cũng có ý nghĩa trong việc giúp hai thành phố tạo dựng mối quan hệ mật thiết hơn. Đồng thời, hai bên có thể xây dựng các chương trình hợp tác song phương, tăng cường trao đổi đoàn các cấp, từ đó tạo nền tảng thuận lợi thúc đẩy các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực…bên cạnh những lĩnh vực hợp tác đã được hai bên triển khai, hướng tới thiết lập mối quan hệ bền chặt hơn giữa hai địa phương. Việc thúc đẩy các chương trình hợp tác sẽ giúp Hải Phòng và Trạm Giang tận dụng được những lợi thế riêng, từ đó tạo đà cho sự phát triển bền vững trong tương lai./.