Thanh niên Việt kiều: Mong muốn được trở về làm việc tại quê hương

Không giống như một số học sinh, sinh viên trong nước được cử đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, các bạn trẻ Việt kiều lại luôn muốn được trở về Việt Nam làm việc và cống hiến một phần bé nhỏ của mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là suy nghĩ đầy xúc động và thật đáng trân trọng.

Thanh niên Việt kiều: Mong muốn được trở về làm việc tại quê hương
 
 
 
(ĐCSVN) - Không giống như một số học sinh, sinh viên trong nước được cử đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, các bạn trẻ Việt kiều lại luôn muốn được trở về Việt Nam làm việc và cống hiến một phần bé nhỏ của mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là suy nghĩ đầy xúc động và thật đáng trân trọng. 
 
Hiện nay, có khoảng trên 3,2 triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở trên 90 nước và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới. Hàng năm lượng kiều hối về Việt Nam tăng khá cao. Nếu năm 2003 là 2,7 tỉ USD thì năm 2006 đạt 4,8 tỉ USD.

Dù sống xa đất nước song kiều bào ta luôn có ý thức giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hoá và luôn hướng về Tổ quốc. Các thế hệ kiều bào luôn mong muốn được gắn bó, đóng góp nhiều hơn cho quê hương. Tính đến hết năm 2006, đã có 2050 dự án của những người con xa quê đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài đầu tư về nước với số vốn trên 14 nghìn tỉ đồng.

Tiếp nối các thế cha, anh, thế hệ học sinh, sinh viên kiều bào hôm nay luôn ý thức phải đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh.

Chúng tôi có dịp gặp gỡ một số bạn trẻ gốc Việt, những người được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài hoặc đã theo gia đình qua sống ở nước ngoài từ nhỏ. Điều ngạc nhiên với chúng tôi là các bạn có một vốn tiếng Việt khá tốt, thậm chí rất khó phân biệt với người trong nước. Các em đều có mong muốn được tìm hiểu thật nhiều về văn hoá, truyền thống cũng như nền kinh tế của Việt Nam hiện nay. Em Nguyễn Thị Thu Hà, sinh viên trường Đại học Nông nghiệp Praha, Séc tâm sự: " Em muốn đặt rất nhiều câu hỏi khi về Việt Nam để em hiểu hơn về quê hương mình. Hiện tại, em đang theo học khoa quản trị kinh doanh và em muốn mình phải tìm hiểu nhiều về nền kinh tế của Việt Nam để sau này có cơ hội được trở về Việt Nam làm việc hoặc ít ra cũng có thể lựa chọn cho mình một hướng đầu tư vào đây phù hợp và hiệu quả. Sinh viên gốc Việt ở bên đó rất đông và dường như ai cũng có suy nghĩ như em".

Một cô bé nhỏ nhắn nhưng rất nhanh nhẹn, tinh tế, tự tin và có một vốn kiến thức về dân tộc mình khá phong phú. Thu Hà đã để lại cho chúng tôi thật nhiều ấn tượng tốt đẹp về thế hệ trẻ việt kiều hôm nay.

Vừa qua, tham dự Trại hè Việt Nam 2007, chúng tôi đã có dịp được trò chuyện với em Nguyễn Quốc An, học sinh trường PTTH Sophia, Bulgary. Một cậu bé 16 tuổi luôn có những câu nói làm cả đoàn bật cười vì sự ngây thơ, hồn nhiên của em song khi hỏi những suy nghĩ về Việt Nam thì lại rất chín chắn, chững chạc: "Em rất vinh dự và hạnh phúc khi được về Việt Nam. Em có cảm giác được ở nhà, rất xúc động. Việt Nam mình bây giờ phát triển quá. Em nghĩ rằng, không có Bác thì không có một nước Việt Nam như ngày hôm nay. Bác đã hy sinh cả cuộc đời mình cho quê hương, cho tương lai của dân tộc. Bố mẹ em cũng luôn dạy em như vậy. Em mong sau này sẽ được trở về Việt Nam để góp phần xây dựng một đất nước giàu mạnh".

Các bạn trẻ về tham dự Trại hè lần này ngoài việc được tìm hiểu về lịch sử và truyền thống của dân tộc, còn được tham gia vào rất nhiều hoạt động xã hội khác như: tình nguyện, tới thăm và chia sẻ với những trẻ em mồ côi...

Chuyến đi đầy ý nghĩa. Nó giúp các em có cái nhìn thực tế về cuộc sống của đồng bào mình. Em Đinh Hồng Vân, 21 tuổi, đang học đại học chuyên ngành về mắt tại Australia: " Em rất mong về Việt Nam làm việc để giúp đỡ đồng bào mình. Em đã về Việt Nam cách đây 7 năm và lần này về thấy Việt Nam thay đổi nhiều, nhất là về đời sống của con người ở đây. Có thể nói, mọi thứ đều đã phát triển. Em cũng đã hỏi nhiều người về cơ hội làm việc trong lĩnh vực điều trị các bệnh về mắt cho người dân Việt Nam và thấy rất có khả năng vì em biết rất nhiều người quê hương mình đang cần được giúp đỡ".

Sinh viên Việt kiều hiện đang theo học tại rất nhiều trường danh tiếng trên thế giới và được đánh giá rất cao bởi những thành tích xuất sắc trong học tập. Đây là điều rất đáng mừng.

Trong cuộc trò chuyện thân mật, Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cũng đã bày tỏ mong muốn các em sẽ học tập tốt hơn nữa để khẳng định mình trên nước sở tại đồng thời sẽ có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp của dân tộc mình. Các em chính là những đại biểu tiêu biểu đại diện cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và chính các em sẽ giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về Việt Nam.

Cùng các em tham dự một số hoạt động của Trại hè tại miền Bắc, đó là cơ hội để chúng tôi hiểu hơn về suy nghĩ của thế hệ thanh niên kiều bào hôm nay.

 "Bố em là người Việt Nam, mẹ em là người Đức và em luôn cố gắng học tiếng Việt, nói bằng tiếng Việt trong các sinh hoạt ở gia đình mình. Em rất tự hào khi mang trong mình dòng máu Việt Nam". Một bạn trẻ đến từ trường đại học Berlin, Đức đã tâm sự với chúng tôi như thế.

Đây cũng là niềm hạnh phúc của nhiều bạn trẻ gốc Việt được sinh ra, được sống, học tập và lao động ở nhiều nước trên thế giới. Cùng với thanh niên trong nước, các em chính là thế hệ tương lai của đất nước.

Còn nhớ, trong chuyến đi dâng hương tại Đền Hùng, một chuyến về nguồn thật ý nghĩa, có em đã đọc một bài thơ làm chúng tôi vô cùng xúc động:

"...Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người..."

 Các em, thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay, dù sinh ra ở bất kỳ nơi nào trên trái đất, đã mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, hãy viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc, hãy chung tay đưa Việt Nam bay cao, bay xa hơn nữa để làm đẹp hơn hai tiếng "Việt Nam".
 

image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 0
  • Tất cả: 0