Cộng đồng người Việt ở Hungari
Số người Việt ở Hungari không nhiều, chỉ khoảng 3000 người, song những năm gần đây các hoạt động văn hoá của cộng đồng rất phát triển.
Chị Phan Bích Thiện, một doanh nhân, đồng thời cũng là thành viên của nhiều hiệp hội, câu lạc bộ của người Việt ở Hungari khẳng định: Đã qua cái thời người Việt mình ở bên này chỉ biết lo làm kinh tế, bây giờ nhu cầu văn hoá ngày càng nâng cao hơn.
Nguồn thông tin bằng tiếng Việt, đã có các báo do người Việt đứng ra làm. Cách đây ba năm tại Budapest ra đời tuần báo Nhịp cầu thế giới, ngoài ra còn có hai tuần báo nữa là Tin tức, Người bạn đường.
Cũng như những tờ kia, cộng tác viên của Nhịp cầu thế giới phần lớn là những người Việt đang sinh sống ở Hungari. Những cộng tác viên của Nhịp cầu thế giới thường xuyên trao đổi với nhau vì hầu như đều là ...bạn bè, khi cần thì Tổng biên tập Nguyễn Hoàng Linh cũng "gõ đầu" từng cộng tác viên để lấy bài.
Ngoài việc cập nhật tin tức thời sự cho bà con, tuần báo còn là nơi gửi gắm tâm sự của nhiều cây bút thơ văn xa xứ. Bởi vậy, đến nay Nhịp cầu thế giới đã có một "lưng vốn" kha khá để chuẩn bị cho một tuyển tập ba năm với các thể loại: phóng sự, thơ, văn...
Cộng đồng ít thì dễ gặp gỡ nhưng lại có nhược điểm là muốn tổ chức hoạt động văn hoá lớn thì khó khăn hơn vì... lấy đâu ra nhân lực! Vì thế dù hội nào, nhóm nào được giao trách nhiệm đứng ra tổ chức hoạt động chung, thì cả cộng đồng vẫn hợp sức nhau cùng làm.
Dịp Tết âm lịch cổ truyền mấy năm nay, năm nào Đại sứ quán, Hội người Việt cũng kết hợp với các tổ chức khác lo đón tết chung cho cả cộng đồng. Còn tết trung thu cho các cháu thiếu nhi lần đầu tiên được Hội người Việt tổ chức năm 2003, trưởng ban tổ chức là anh Nguyễn Hữu Mẫn, có nhiều nhà doanh nghiệp người Việt đứng ra tài trợ.
Thiếu nhi gốc Việt sinh ra ở nước ngoài, nhiều cháu không hề có khái niệm về lễ tết quê hương. Tuy cuộc mưu sinh bận rộn, nhưng những phụ huynh người Việt ở xứ người vẫn cảm thấy cần phải làm gì đó để con cái biết được truyền thống quê nhà.
Bởi vậy, đêm trung thu tập hợp được gần 1500 người, bằng phân nửa số người Việt ở Hungari. Các cháu rất thích vì lần đầu tiên có khái niệm về tết trung thu. Một bậc phụ huynh kể rằng: Các con được tập hát tiếng Việt, tập múa rồi biểu diễn, nên qua trung thu rồi mà nhiều cháu vẫn háo hức hỏi bố mẹ đến bao giờ được đi tiếp nữa.
Đến năm 2004, đêm hội trăng rằm được Câu lạc bộ phụ nữ trong vai trò tổ chức cũng hết sức thành công. Cũng xin nói thêm về Câu lạc bộ mà các chị em người Việt ở Hungari rất tự hào này: Sau khi ra đời Hội người Việt, Ban liên lạc Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi..., thì chị em phụ nữ cũng quyết định phải có một sân chơi riêng của mình. Bởi vậy nhân dịp 8-3-2004, Câu lạc bộ phụ nữ được thành lập.
Có thể đoàn kết hoạt động văn hoá tốt như vậy, là do cuộc sống về kinh tế và chính trị của người Việt nơi đây được ổn định, thêm nữa Đại sứ quán Việt Nam tại đây đã làm tốt công tác với cộng đồng.
Những người thành đạt trong kinh doanh có thể dẫn chứng ngay các doanh nhân đã tham gia Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Hungari do anh Vũ Quý Dương làm chủ tịch. Ông Chủ tịch này, hiện đang xây dựng một trung tâm thương mại mang tên Thăng Long, hy vọng sẽ là nơi tập trung kinh doanh cho rất nhiều hộ buôn bán người Việt cũng như người nước khác.
Quan hệ kinh doanh giữa hai nước Việt Nam _ Hungari chưa nhiều. Thị trường Hungari nhỏ, nhu cầu ít do chỉ có 10 triệu dân. Tuy vậy nhiều doanh nghiệp người Việt ở đây đã làm cầu nối xuất hàng từ Việt Nam sang, phần lớn là hàng dệt may, gần đây có xuất khẩu hàng hải sản đông lạnh.
Nhiều doanh nghiệp người Việt cho rằng việc Hungari đã gia nhập EU là một thời cơ lớn khi được mở rộng cánh tay tới thị trường chung Châu Âu. Mấy năm trở lại đây có một số nhà doanh nghiệp Việt từ Hungari bắt đầu tìm hướng quay trở về đầu tư trong nước. Vì như nhận xét của họ, họ cảm nhận môi trường làm ăn nước mình đã thay đổi rất nhiều, mà điều thay đổi lớn nhất là trong tư duy con người.